Quân đội Ukraine đang chuẩn bị cho một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất từ khi xung đột với Nga bùng phát đến nay: Đánh bật lực lượng đối phương đang quyết tâm cố thủ trong hệ thống phòng tuyến được củng cố vững chắc trên vùng lãnh thổ rộng lớn.
Kiev đã làm được điều này vào mùa thu năm ngoái ở Kharkov, nhưng không giành thêm được kết quả đáng kể nào từ đó đến nay. Giờ đây, thách thức với họ thậm chí còn lớn hơn bởi với tốc độ vận chuyển vũ khí từ phương Tây như hiện tại, sức mạnh quân đội đang kém hơn so với những gì giới lãnh đạo Ukraine kỳ vọng.

Pháo binh Ukraine khai hỏa về phía lực lượng Nga ở Bakhmut hôm 18/4. Ảnh: AFP
"Rủi ro là rất lớn", Mark Kimmitt, lữ đoàn trưởng đã nghỉ hưu của quân đội Mỹ từng chỉ huy các đơn vị pháo binh, cho biết. "Với ít tiến triển trên chiến trường và mức độ gây chú ý ngày càng giảm trên toàn thế giới, Ukraine cần phải thắng trong chiến dịch phản công để phá thế bế tắc, nếu không họ sẽ phải đối mặt với vô số lời kêu gọi ngừng bắn và đàm phán".
Nếu thành công với chiến dịch, quân đội Ukraine sẽ giành lại thế chủ động, nâng cao tinh thần chiến đấu và dễ dàng nhận thêm hỗ trợ quân sự từ Mỹ cũng như các đồng minh phương Tây trong thời gian dài.
Tổng thống Volodymyr Zelensky và các quan chức cấp cao Ukraine từ đầu năm đã liên tục đề cập đến chiến dịch phản công nhằm đẩy quân đội Nga ra khỏi lãnh thổ, nhưng thời gian, địa điểm và hình thức tiến hành chiến dịch vẫn được giữ bí mật.
Theo Mykhailo Podolyak, cố vấn cho Tổng thống Ukraine, cách thức cuộc phản công diễn ra sẽ được xác định bởi ba yếu tố, gồm số lượng trang thiết bị có sẵn, quân số và mức độ thiệt hại của khí tài Nga. "Mục tiêu chính là phá vỡ phòng tuyến đối phương theo mọi hướng quân đội Ukraine tiến công".
"Mọi thứ đều xoay quanh cuộc phản công này", Alexander Vershbow, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, hiện là quan chức cấp cao của NATO, bình luận. "Tất cả mọi người đều hy vọng. Nó sẽ định đoạt liệu nỗ lực giành lại lãnh thổ của Ukraine có được đền đáp hay không và tạo ra đòn bẩy quan trọng cho Kiev trên bàn đàm phán".
Trong khi các lãnh đạo Ukraine khẳng định mục tiêu họ hướng đến là phá vỡ hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga trên diện rộng, giới chức Mỹ vẫn thận trọng đánh giá rằng chiến dịch phản công khó tạo ra thay đổi mang tính quyết định cho Ukraine.
Quân đội Ukraine hiện đối mặt vô số thách thức trong nỗ lực phá vỡ thế bế tắc. Giao tranh kéo dài tại Bakhmut đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ đạn dược và gây thương vong nặng nề ở một số đơn vị tinh nhuệ vốn được xây dựng để chuẩn bị cho chiến dịch phản công.
Cơ hội thành công của chiến dịch phản kích cũng phụ thuộc lớn vào thông tin tình báo, đặc biệt là từ Mỹ và NATO. Nếu Washington và các đồng minh có thể phát hiện ra những điểm yếu chí mạng trong hệ thống phòng thủ của Moskva, Kiev có thể khai thác chúng nhờ tốc độ và khả năng xuyên phá của các xe tăng do phương Tây viện trợ, giới chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo chiến thuật này sẽ thành công. Nga đã rải mìn dày đặc dọc chiến tuyến và mọi bước tiến của Ukraine sẽ phụ thuộc vào việc lực lượng công binh của họ có thể triển khai hiệu quả những thiết bị rà phá bom mìn, phần lớn do phương Tây cung cấp, hay không.
Ukraine đã xây dựng các lữ đoàn chiến đấu mới bằng cách kết hợp các tân binh với một nhóm nhỏ những quân nhân kỳ cựu, giàu kinh nghiệm chiến đấu. Bắt đầu từ tháng một, nhiều đơn vị được đưa tới trại huấn luyện của Mỹ ở Đức để học cách sử dụng những vũ khí mới và phối hợp tác chiến.
Theo các quan chức Mỹ, việc huấn luyện những chiến thuật này đã diễn ra tốt đẹp, song lý thuyết luôn khác với thực tế.
Đến nay, hầu hết binh sĩ Ukraine đều nói rằng khả năng phối hợp tác chiến của họ khá hạn chế bởi thiết bị vô tuyến liên lạc không đồng bộ và thường xuyên bị quân đội Nga gây nhiễu. Một người lính Ukraine tham gia một đợt phản công thất bại gần đây ở miền nam nước này cho hay việc phối hợp tác chiến trên cấp trung đội vẫn đặc biệt khó khăn.
Khi chiến dịch phản công bắt đầu, một câu hỏi ngay lập tức được đặt ra cho các chỉ huy của Kiev là tấn công vào đâu. Nga đang cố thủ ở vùng Donbass, miền đông Ukraine, và dọc theo khu vực phía đông nam, nơi có hành lang trên bộ nối với bán đảo Crimea.
Lực lượng Ukraine có thể tổ chức nhiều mũi tấn công nhằm tăng cơ hội tìm ra điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Nga. Tuy nhiên, điều này đòi khỏi khả năng phối hợp tác chiến chặt chẽ, hiệu quả, điều mà Kiev đang thiếu. Mặt khác, Ukraine cũng không muốn dàn trải lực lượng quá mỏng trên hơn 850 km chiến tuyến.
Chọc thủng phòng tuyến Nga rõ ràng là một thử thách. Ở nhiều vị trí, các binh sĩ Nga đã đào hào, xây dựng lô cốt, công sự trong gần một năm qua. Tại các khu vực ở Donbass, hệ thống phòng thủ thậm chí còn được mở rộng hơn nữa.
Nếu lực lượng Ukraine phá vỡ được một đoạn trong phòng tuyến này, họ sẽ phải tìm cách nhanh chóng điều quân tiếp viện ở phía sau tới chiếm lĩnh và bảo vệ trận địa. Bước tiếp theo là phá hủy hệ thống phòng không, radar, nguồn cung cấp đạn dược và trung tâm chỉ huy của Nga.

Một binh sĩ Ukraine ở Bakhmut. Ảnh: AFP
Một ẩn số lớn khác là Nga sẽ bảo vệ phòng tuyến của mình như thế nào. Moskva đã đầu tư rất nhiều vào các chướng ngại vật và xây dựng nhiều hỏa điểm nhằm ngáng đường quân đội Ukraine tấn công, nhưng hiện chưa rõ quyết tâm và mức độ tinh nhuệ của lực lượng phòng thủ tại đó.
"Chướng ngại vật không thể cản trở đối phương nếu binh sĩ không bám trụ để yểm trợ bằng hỏa lực", Scott Boston, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corp, trụ sở tại Mỹ, nhấn mạnh. Ông lưu ý thêm rằng sau lệnh động viên một phần, Nga hiện có số binh sĩ tại Ukraine lớn hơn nhiều so với thất bại ở Kharkov hồi cuối năm ngoái.
"Ở Kharkov, quân đội Nga không có đủ lực lượng bảo vệ phòng tuyến và điều đó khiến họ thất thủ. Bây giờ, họ có thể không phải là đội quân được huấn luyện tốt nhất, nhưng quân số đông đảo hơn", ông đánh giá.
Phát biểu tại Washington hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết ông lạc quan về chiến dịch phản công của Ukraine, song lưu ý rằng "chúng ta cần phải thực tế, bởi sẽ không có phép màu nào khiến phòng tuyến Nga sụp đổ ngay lập tức".
Vũ Hoàng (Theo WSJ)