Benny Gantz, thủ lĩnh phe đối lập Israel, ngày 9/6 tuyên bố rời khỏi nội các chiến tranh do Thủ tướng Benjamin Netanyahu dẫn dắt. Quyết định được đưa ra ba tuần sau khi ông Gantz cảnh báo rằng nếu Thủ tướng Netanyahu không có kế hoạch nhất quán để giải cứu con tin và quản lý Gaza thời hậu chiến, ông sẽ rút khỏi vị trí Bộ trưởng nội các chiến tranh.
"Rời chính phủ là quyết định đầy khó khăn và phức tạp", ông Gantz nói. "Ông Netanyahu đã ngăn cản chúng tôi tiến tới chiến thắng thực sự ở Gaza. Đó là lý do chúng tôi rời khỏi chính phủ ngay hôm nay với trái tim nặng trĩu".
Ông chỉ trích Thủ tướng Israel đưa ra những "lời hứa suông" về chiến thắng hoàn toàn ở Gaza, thay vì soạn thảo kế hoạch hậu xung đột, hành động dứt khoát chống Hezbollah ở phía bắc và hướng tới thỏa thuận ngừng bắn, thả con tin với Hamas.
Nội các chiến tranh của Israel gồm ba người chủ chốt là ông Gantz, Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant. Đây là nhóm được thành lập trong thời kỳ chiến tranh để điều phối hoạt động chiến đấu một cách hiệu quả, chịu trách nhiệm đưa ra tất cả các quyết định lớn trong xung đột.
Ông Gantz được coi là đối thủ chính trị hàng đầu của Thủ tướng Netanyahu, thường xuyên vượt qua ông trong các cuộc thăm dò dư luận rằng ai là người phù hợp nhất để lãnh đạo đất nước. Dù quyết định rời nội các của ông Gantz không lập tức đe dọa liên minh của ông Netanyahu, nó có thể dẫn tới phản ứng dây chuyền trong giới chính trị, cũng như khuyến khích nhiều người trong và ngoài nước chỉ trích Thủ tướng Israel, theo giới phân tích.
Một giờ sau khi tuyên bố của ông Gantz, Gadi Eisenkot, cựu tham mưu trưởng quân đội Israel và là một trong ba quan sát viên nội các chiến tranh, cũng đệ đơn xin từ chức.
Trong thư gửi Thủ tướng Netanyahu, Eisenkot viết "chúng tôi đã chứng kiến những quyết định mà ngài cùng chính phủ đưa ra không thực sự bắt nguồn từ lợi ích của quốc gia. Những tính toán về đối ngoại và chính trị đã len lỏi vào các cuộc thảo luận và ảnh hưởng đến việc ra quyết định".
Ông Netanyahu vẫn duy trì thế đa số 64 ghế tại Knesset (quốc hội Israel) gồm 120 thành viên. Song giới quan sát cảnh báo nhiều thành viên chính phủ của ông có thể sẽ từ chức trong thời gian tới.
Trong bài phát biểu ngày 9/6, ông Gantz cũng gửi thông điệp tới Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, nói rằng "tại thời điểm này, khả năng lãnh đạo và sự can đảm không chỉ là nói những điều đúng đắn, mà còn là làm những gì đúng đắn".
Bộ trưởng Gallant được cho là người có lập trường ôn hòa hơn trong liên minh cực hữu của Thủ tướng Netanyahu. Ông đã kêu gọi ông Netanyahu tìm giải pháp thay thế để giải quyết vấn đề Hamas ở Gaza. Bộ trưởng Quốc phòng Israel cũng ủng hộ nỗ lực đạt thỏa thuận ngừng bắn với Hamas để đưa 120 con tin trở về, ngay cả khi điều đó đòi hỏi những thỏa hiệp đau đớn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều tháng qua kêu gọi Israel cam kết thực hiện kế hoạch hậu xung đột cho Gaza. Ông Biden tuần trước nói rằng có "mọi lý do" để tin rằng Thủ tướng Netanyahu đang kéo dài xung đột để phục vụ lợi ích riêng.
Ông Ganzt, lãnh đạo đảng Thống nhất Quốc gia đối lập, cho rằng ông không thể tiếp tục phục vụ trong nội các vì những mối đe dọa cấp bách mà Israel phải đối mặt.
"Các quyết định chiến lược quan trọng bị trì hoãn, nhấc lên đặt xuống vì những toán tính chính trị. Cử tri Israel vào tháng 10 sẽ bầu ra chính phủ mới giành được sự tin tưởng của người dân và có thể đương đầu với thách thức", ông nói.
Ông Netanyahu kêu gọi Gantz đổi ý trong bài đăng trên mạng xã hội X. "Israel đang trong cuộc chiến sinh tồn trên nhiều mặt trận. Đây không phải là lúc để từ bỏ cuộc chiến đấu, Benny. Đây là lúc chúng ta cần hợp lực", ông viết.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Itamar Ben Gvir, thành viên phe cực hữu, phản đối việc ông Gantz, từ chức. "Đã đến lúc đưa ra quyết định dũng cảm, đạt được răn đe thực sự và mang lại an ninh cho dân cư miền nam, miền bắc và toàn lãnh thổ Israel", ông viết trên X.
Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich, thành viên khác trong liên minh dân tộc cực đoan của ông Netanyahu, cho rằng những người chỉ trích Thủ tướng Israel đang "tiếp tay cho kẻ thù".
"Đây chính xác là những gì Sinwar, Nasrallah và Iran mong muốn. Và thật đáng tiếc khi các vị giúp hoàn thành mong muốn của họ", ông đăng trên mạng xã hội, đề cập tới lãnh đạo Hamas và Hezbollah.
Sau cuộc tấn công của Hamas vào tháng 10/2023, ông Netanyahu thành lập nội các chiến tranh nhằm đảm bảo vị thế chính phủ và loại trừ các thành viên liên minh cực đoan khỏi vai trò quyết định chiến lược về vấn đề Gaza. Ông Gantz thời điểm đó cho rằng "Israel trên tất cả", khi quyết định bỏ qua hiềm khích với ông Netanyahu để gia nhập nội các chiến tranh.
Các nhà phân tích lưu ý rằng sự rời đi của ông Gantz chưa chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cách xử lý chiến dịch ở Gaza của Israel.
Họ tin ông Netanyahu hoàn toàn có thể thay thế ông Gantz bằng các nhà lập pháp cứng rắn khác trong phe đối lập hoặc các đối tác liên minh, vốn phản đối đề xuất ngừng bắn và quản lý Gaza thời hậu chiến của Mỹ. Ngoài ra, ông cũng có thể giải tán nội các chiến tranh, đưa việc quyết định trở lại thẩm quyền của nội các an ninh thông thường, nơi các đồng minh trong liên minh cực hữu của ông có thể có nhiều ảnh hưởng hơn.
Cả ông Gantz và Bộ trưởng Gallant đều công khai phàn nàn rằng việc tham gia nội các chiến tranh không mang lại cho họ nhiều ảnh hưởng tới cuộc chiến chống Hamas.
"Chính sách của Israel trên thực tế được thiết lập chủ yếu bởi ông Netanyahu", Giora Eiland, cựu cố vấn an ninh quốc gia Israel, cho hay.
Tuy nhiên, số khác tỏ ra lo ngại về những áp lực chồng chất trong nước với chính phủ ông Netanyahu, giữa lúc nước này đối mặt với cuộc chiến ở Gaza và nhiều mối đe dọa an ninh khác từ bên ngoài.
Sự tham gia của ông Gantz và đảng Thống nhất Quốc gia "đã khiến một lượng lớn người Israel cảm thấy tin tưởng hơn rằng các quyết định quan trọng thời chiến được đưa ra với tiếng nói ôn hòa và nhiều đại diện của đất nước, thay vì lợi ích chính trị của một số người", Yohanan Plesner, chủ tịch Viện Dân chủ Israel, nói.
Cuộc thăm dò của tổ chức này gần đây cho thấy sự ủng hộ đối với chính phủ giảm mạnh và sự rút lui của Gantz có nguy cơ thổi bùng thêm bất mãn của công chúng, theo Plesner. Làn sóng biểu tình trên toàn quốc đã tăng nhiệt trong những tuần gần đây, dẫn đầu bởi các nhóm thân nhân con tin và người ủng hộ họ, do lo ngại thời gian của những người bị Hamas giam ở Gaza không còn nhiều.
Quyết định rút lui của ông Gantz không chỉ làm tăng áp lực đối với Thủ tướng Netanyahu, mà còn cho thấy sự đoàn kết và thống nhất của Israel trong những ngày đầu chiến dịch chống Hamas dần tan vỡ. Động thái này có thể thúc đẩy các cuộc biểu tình chống chính phủ và yêu cầu tổ chức bầu cử sớm, theo giới quan sát.
Một số lo ngại việc ông Gantz từ chức sẽ làm trầm trọng thêm chia rẽ chính trị khi nước này phải đối mặt với điều mà nhiều người mô tả "cuộc chiến về sự tồn vong".
"Nó giống như mọi người đứng trong phòng hơi ngạt ở trại tập trung Auschwitz và tranh luận xem ai đứng về phe cánh hữu. Israel chưa bao giờ trong tình huống mong manh và nguy hiểm như vậy", Abraham Diskin, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hebrew ở Jerusalem, nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post, WSJ, AFP)