Tại họp báo Ngày không tiền mặt do Báo Tuổi trẻ và Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 28/5, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Thanh toán, nhận định thanh toán không dùng tiền mặt phát triển với tốc độ vượt bậc trong những năm qua, đem lại tiện ích cho người dùng.
"Tuy nhiên phát triển nhanh và nhiều tiện ích cũng đi kèm với việc đánh đổi với bảo mật, an toàn. Đây là câu chuyện chúng ta cần xác định để cân bằng giữa tiện ích với an toàn", ông Dũng nói.
Giai đoạn cuối 2023, tình trạng lừa đảo qua mạng rộ lên, nhiều người "bỗng dưng" mất tiền khi kẻ gian đánh vào mắt xích yếu nhất là người dùng, bằng yếu tố phi kỹ thuật.
Lừa đảo bằng yếu tố phi kỹ thuật cũng được ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thanh toán quốc gia (Napas) nhận định là chiêu thức chủ yếu xảy ra trong các vụ mất tiền. Kẻ lừa đảo nhắm vào tâm lý của người dùng như lòng tham hay nỗi sợ hãi để họ thực hiện giao dịch thanh toán thật, chuyển cho kẻ gian. Theo đó, trước hết, người dùng nên "chậm lại một chút" khi giao dịch và có ý thức bảo vệ tiền của mình.
Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), ông Từ Tiến Phát chia sẻ thực tế rằng người dân được truyền thông rất nhiều về các chiêu thức lừa đảo, song các vụ việc mất tiền vẫn xảy ra tần suất ngày càng cao với số tiền nhiều hơn, thậm chí lên đến hàng chục tỷ đồng. Trong các vụ mất tiền, nhiều người dù có học thức cao, thậm chí là nhân viên ngân hàng, nhưng nói rằng họ vẫn bị thao túng tâm lý và không cưỡng lại được.
Do đó, bên cạnh việc tăng nhận thức của người dùng, theo ông, ngành ngân hàng cũng cần giải quyết thấu đáo vấn đề công nghệ.
Năm nay, các quy định pháp lý mới như Nghị định 52 và Quyết định 2345 (có hiệu lực từ 1/7), có tác động lớn tới ngành ngân hàng và thanh toán không tiền mặt. Đề cập tới Quyết định 2345, quy định giao dịch chuyển khoản trực tuyến trên 10 triệu một lần và 20 triệu mỗi ngày phải xác thực sinh trắc học, Phó Vụ trưởng Thanh toán khẳng định, đây là giải pháp giải quyết căn cơ nạn "rửa" tiền lừa đảo.
"Hiện, 70% giao dịch chuyển tiền ngân hàng là dưới 10 triệu đồng. Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc rất kỹ để cân đối giữa xác thực mạnh chống gian lận lừa đảo nhưng cũng đảm bảo giao dịch xuyên suốt. Đây là chủ trương để bảo vệ quyền lợi khách hàng chứ không phải gây khó khăn cho họ", ông Lê Anh Dũng nói.
Là một trong các ngân hàng đang triển khai áp dụng sinh trắc học, Tổng giám đốc ACB cho biết các ngân hàng phải đầu tư không hề nhỏ và cũng không thu phí với khách hàng. Nhưng ông khẳng định đây là khoản đầu tư đáng "đồng tiền bát gạo" bởi khi khách hàng được bảo vệ, họ sẽ sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử nhiều hơn.
Dự kiến trong tháng 6, ACB sẽ thông báo cho khách hàng đăng ký xác thực thông tin. "Nhiều người lo lắng khi việc phải xác thực gương mặt lo mất thông tin, phiền phức, nhưng chúng tôi khẳng định trải nghiệm khách hàng không bị ảnh hưởng và rất mượt mà", ông Từ Tiến Phát chia sẻ. Người dùng chỉ mất lần đầu xác thực với căn cước công dân gắn chip và khuôn mặt. Các giao dịch chuyển khoản sau đó chỉ cần xác thực khuôn mặt.
Để tăng thêm hàng rào bảo vệ người dùng, Phó tổng giám đốc Napas cũng cho biết đơn vị này dự kiến có thêm các biện pháp kỹ thuật khác. Napas đang soạn thảo bộ quy trình phối hợp với các ngân hàng dựa trên quy định pháp lý hiện nay. Theo đó, khi một nhà băng nhận diện được giao dịch có dấu hiệu lừa đảo có thể thông qua Napas, thông tin cho ngân hàng được nhận tiền, để họ có hành vi tương ứng như tạm khóa giao dịch, tạm ngừng cung cấp dịch vụ ngân hàng số... Việc này sẽ giúp làm chậm luồng tiền luân chuyển của kẻ lừa đảo, ông Nguyễn Hoàng Long cho hay.
Tại hội thảo, Ngân hàng Nhà nước công số những số liệu cho thanh toán không tiền mặt đang phát triển với tốc độ nhanh. 4 tháng đầu năm nay, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 57% về số lượng và hơn 39% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 14% về số lượng và gần 8% về giá trị, cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.
Đến hết 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán. 40 nhà băng đã triển khai mở tài khoản bằng định danh điện tử (eKYC) với gần 35 triệu tài khoản thanh toán.
Quỳnh Trang