"Những KOL nổi tiếng sẽ được nhãn hàng săn đón. Họ dư dả tài chính, thoải mái thời gian và không chịu sự quản lý của bất kỳ ai", chàng trai quê Nghệ An nói. Hải dẫn chứng nhiều người người mua được nhà, xe, thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng nhờ nghề này.
Bố mẹ anh cho rằng nghề này không lâu bền và "có học hành vẫn hơn". Cuối cùng Hải vẫn không nộp hồ sơ thi đại học bởi thấy lãng phí thời gian, tốn tiền.
Anh xoay xở sản xuất đủ kiểu nội dung, từ những video gây tranh cãi, thử thách độc lạ hoặc chia sẻ triết lý, mong sớm đạt 100.000 người theo dõi rồi chuyển sang làm tiếp thị liên kết, nhận quảng cáo từ nhãn hàng.
Sau hơn hai năm bỏ nghề kế toán để làm KOC (Key Opinion Customer - người tiêu dùng có ảnh hưởng) toàn thời gian, Minh Hằng quê Lạng Sơn có thu nhập 15 triệu đồng mỗi tháng. "Gần gấp đôi lương làm văn phòng", cô gái 24 tuổi khoe.
Nhưng bố mẹ Hằng không yên tâm. Họ vẫn ngày ngày thuyết phục cô sớm trở lại nghề cũ bởi ổn định và "về già có lương hưu".
KOL, KOC hay influencer là những từ chỉ một kiểu công việc sử dụng sự "ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội". Nghề này tuy không mới nhưng vẫn khá "hot" trong giới trẻ ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Năm 2021, một cuộc khảo sát ở Anh ghi nhận hơn 50% thanh thiếu niên nói "mong muốn trở thành người có ảnh hưởng trên mạng xã hội".
Khảo sát toàn cầu của Harris Poll và nhà sản xuất đồ chơi Lego thực hiện năm 2019 cho kết quả gần 30% trẻ em liệt kê YouTuber là lựa chọn nghề nghiệp hàng đầu. Cũng trong năm 2019, cuộc khảo sát của Morning Consult với Gen Z và Millennials ở Mỹ cho thấy, 54% muốn trở thành những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Công việc này hấp dẫn bởi các lý do chủ yếu là: Nhanh có danh tiếng; Được thể hiện bản thân; Thu nhập hấp dẫn; Được kết nối với nhiều người.
Ở Việt Nam hiện có hàng trăm hội nhóm khác nhau chia sẻ cách xây dựng thương hiệu cá nhân, mẹo để tăng tương tác, nhận quảng cáo từ nhãn hàng. Nhóm đông nhất có gần 400.000 thành viên. Mỗi ngày có gần 100 bài xin kinh nghiệm làm nghề.
Không chỉ trên mạng xã hội, các đơn vị đào tạo KOL, KOC cũng ghi nhận lượng lớn người trẻ quan tâm đến công việc này.
Chị Vũ Diệu Thúy, người sáng lập Học viện đào tạo KOL và Influencer Kolin cho biết từ năm 2020 nhiều doanh nghiệp chuyển sang quảng cáo trực tuyến, tạo ra cơ hội mới cho người trẻ. Nhu cầu về KOC, KOL liên tục tăng cao.
Trung bình mỗi tháng đơn vị của chị Thúy đào tạo 50 học viên. 80% trong độ tuổi 25-35. Thời gian học kéo dài 6-10 buổi trực tiếp và 1-3 tháng học trực tuyến. Học phí dao động 8-40 triệu đồng, tùy khóa.
Thừa nhận người trẻ ngày nay dễ thành KOL, KOC bởi lợi thế thông thạo công nghệ, khả năng sáng tạo nhưng chị Vũ Diệu Thúy khẳng định đây là công việc đầy thách thức.
Nhóm này phải đối mặt với mức độ cạnh tranh khốc liệt do số người làm nghề lớn, áp lực liên tục phải sáng tạo nội dung mới để giữ chân người xem, biết cách quản lý danh tiếng và xử lý khủng hoảng truyền thông hoặc liên tục phải online.
Dù vậy, thu nhập từ nghề này thường không ổn định, nhất là trong giai đoạn đầu chưa có tên tuổi.
Giải thích lý do ngày càng nhiều người trẻ muốn trở thành KOL, KOC, thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, trường Đại học Văn Lang (TP HCM), CEO iGem Agency, cho rằng một phần nguyên nhân đến từ sự bùng nổ của mạng xã hội, sàn thương mại điện tử khiến nhiều người muốn thử sức với lĩnh vực mới. Bên cạnh đó, việc các cá nhân chia sẻ mức thu nhập "khủng", phiên live stream trăm tỷ cũng khiến nhiều người tin theo.
"Mơ tưởng viển vông về việc nhẹ lương cao cũng khiến nhiều người lao vào nghề này. Nhưng phần lớn trượt dài trong sự thất bại, khó tìm được công việc phù hợp, về lâu dài sẽ mất động lực phấn đấu", ông Tú nói.
Không thể nổi tiếng hay giàu có sau hai năm làm KOL, Đức Hải đành bán kênh, chấp nhận đi làm thuê. Mỗi tháng anh kiếm được hai, ba triệu đồng nhờ tiền tiếp thị liên kết.
Hải thừa nhận bố mẹ đã đúng khi cho rằng nghề này không bền. Theo khảo sát do nền tảng hỗ trợ hoạt động influencer marketing HypeAuditor thực hiện năm 2022, 36,7% người có sức ảnh hưởng tại Anh và 22,2% sao mạng ở Mỹ khẳng định mức thu nhập của họ giảm đáng kể khi nền kinh tế suy thoái. Hầu hết KOL, KOC hay influencer cho biết thu nhập của họ giảm hơn 30%. Các thương hiệu không chỉ hủy bỏ hợp tác mà còn nỗ lực giảm ngân sách cho các dự án, đẩy thù lao xuống thấp.
Có thu nhập ổn định từ nghề KOC nhưng Minh Hằng luôn trong tình trạng kiệt sức. Để tăng tương tác, cô gái 24 tuổi luôn phải tìm ra ý tưởng mới, ngày ba lần phải đăng video vào các khung giờ cố định. Cường độ công việc cao khiến nữ TikToker chỉ ngủ 3-4 tiếng mỗi ngày, nhiều hôm ba bữa ăn dồn một.
Trở thành người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng khiến Hằng nhận nhiều bình luận ác ý về ngoại hình hoặc sản phẩm đang quảng cáo. Thậm chí cô từng bị tẩy chay, buộc phải lên video xin lỗi khi giới thiệu sản phẩm kém chất lượng.
"Làm KOC như làm dâu trăm họ, tốt thì họ tung hô, còn không bị vùi dập đến không ngóc đầu lên được", Hằng nói.
Thạc sĩ Lê Anh Tú khuyên người trẻ nên nhìn nhận đúng bản chất của nghề KOL, KOC. Đây không phải công việc dễ làm, dễ tăng thu nhập. Bất kỳ ngành nghề nào cũng đòi hỏi sự đầu tư công sức, thời gian và kiên trì. Mỗi cá nhân cần xác định rõ đam mê và chuyên môn của bản thân. Không ngừng đầu tư vào kỹ năng, đặt mục tiêu rõ ràng và lập kế hoạch chi tiết để thực hiện. Và bản thân cũng nên đa dạng hóa các nguồn thu để ổn định tài chính, đồng thời chú trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
"KOL, KOC là một nghề dần được chuyên nghiệp hóa, có công ty quản lý người nổi tiếng, agency quản trị rủi ro. Các KOL, KOC ngày nay cũng nên trang bị thêm kiến thức về truyền thông, marketing để hoàn thiện bản thân, từ đó nâng cao giá trị nghề và có sự nghiệp bền vững hơn", vị chuyên gia nói.
Quỳnh Nguyễn