Áo Breton là một trong những món đồ kinh điển của làng mốt nói chung và biểu tượng của thời trang Pháp nói riêng. Trải qua hơn 160 năm, áo Breton quen thuộc với nhiều thế hệ, không phân biệt giàu nghèo, giới tính, tuổi tác.
Những chiếc áo kẻ sọc đầu tiên xuất hiện cuối thế kỷ 18 ở vùng Roscoff, Brittany thuộc miền Bắc nước Pháp. Mẫu áo sợi dệt sọc trắng và xanh dương có tên Breton bởi đây là tên ngôn ngữ của vùng Brittany. Nó còn được gọi là Marinière (đại dương). Áo kẻ sọc, mũ beret là trang phục thường ngày của những ngư dân và thủy thủ nơi đây.
Làng mốt lấy năm 1858 là cột mốc đánh dấu sự ra đời chính thức của áo Breton. Tháng 3 năm ấy, quân đội giới thiệu mẫu áo đồng phục cho lính hải quân đóng tại Brittany. Một chiếc áo nguyên bản có 21 đường kẻ ngang trắng rộng 2 cm và 29 kẻ ngang xanh rộng 1 cm, 14 kẻ ngang xanh tương tự ở cánh tay. Theo truyền thuyết của vùng Brittany, con số 21 tượng trưng cho chiến thắng của Napoleon trước quân Anh. Số khác lại cho rằng những sọc xanh trắng là dấu hiệu nhận biết của các thủy thủ khi ra khơi. Công ty Saint James, nằm ở Mont Saint-Michel, chịu trách nhiệm cung cấp mẫu áo này cho ngư dân và quân đội thời bấy giờ. Hiện Saint James vẫn là một trong những nhà sản xuất Breton hàng đầu nước Pháp và toàn thế giới.
Từ chiếc áo của người lao động trên biển và hải quân Pháp, dưới bàn tay của Coco Chanel, Breton từng bước trở thành mẫu áo kinh điển của mọi thời đại.
Trong những năm đầu của thập niên 1910, Coco Chanel đã bỏ nhiều công sức xuống vùng biển Biarritz - nơi sau này bà mở cửa hiệu couture đầu tiên vào năm 1915. Tại đây, nhà thiết kế đưa cảm hứng chiếc áo thủy thủ vào bộ sưu tập năm 1917.
Thiết kế đầu tiên của Chanel lấy cảm hứng từ Breton là một áo khoác với phần cổ bằng thun - chất liệu thường chỉ dùng để may áo lót nam và sơ mi thủy thủ. Bằng cách này, bà đã giải phóng nữ giới khỏi sự bó buộc trong những chiếc corset thít chặt một cách mực thước. Chiếc áo kẻ thụng rộng rãi là sự bứt phá ngoạn mục của thời trang nữ thời bấy giờ. Chanel nói: "Sang trọng là phải thoải mái. Còn không thì chẳng hề sang trọng". Nhà thiết kế huyền thoại còn dẫn đầu cuộc cách mạng này khi mặc áo sọc với quần thụng đầy mạnh mẽ.
BBC dẫn lời nhà nghiên cứu lịch sử thời trang Amber Butchart cho biết ngoài Coco Chanel, cặp vợ chồng giàu có người Mỹ - Gerald và Sara Murphy - cũng có công lớn đưa trào lưu áo sọc thủy thủ đến với làng mốt. Vào những năm 1920, gia đình này thường tổ chức những bữa tiệc gặp gỡ nhân vật trong giới nghệ thuật tại biệt thự ở Riviera, Pháp. Trước mỗi buổi tiệc, Gerald Murphy thường đến cảng biển Marseille để mua hàng loạt áo Breton tặng khách mời. Từ đó, áo sọc thủy thủ được nhiều nghệ sĩ yêu thích, trong đó có danh họa Pablo Picasso, Jackson Pollock.
Từ thập niên 1940 đến 1960, áo sọc thủy thủ khiến nhiều người phát cuồng với lý do đơn giản là rất dễ mặc.
Sức ảnh hưởng của Hollywood đã góp phần đưa áo sọc thủy thủ lên một tầm cao mới. Nếu những năm 1940, áo sọc là "con cưng" của biểu tượng nhan sắc Brigitte Bardot, đến thập niên sau đó, Breton nhanh chóng thống lĩnh Hollywood. Năm 1953, áo kẻ ngang lần đầu xuất hiện trong một tác phẩm điện ảnh khi được diễn viên Lee Marvin mặc trong The Wild One. Phong cách mặc áo thủy thủ, đeo khuyên mũi, hoa tai vàng của Marvin đã tạo nguồn cảm hứng cho những tay đua motor thời đó. Theo Harper's Bazaar, sau bộ phim ấy, tay đua Frank Sadilek từng chạy xe đến Hollywood chỉ để mua lại chiếc áo phông của Marvin.
Từ "phát súng" đầu tiên của Lee Marvin, hàng loạt bộ phim sau đó có sự xuất hiện của áo Breton. Tài tử James Dean trong Rebel Without A Cause (1955), Cary Grant trong To Catch a Thief (1955), Audrey Hepburn trong Funny Face (1957)… đều diện mốt này.
Trong suốt những năm 1960, Breton trở thành đồng phục của những cậu ấm cô chiêu sành điệu ở New York. Lấy cảm hứng từ bộ phim Breathless của đạo diễn Jean-Luc Goddard năm 1960, huyền thoại Yves Saint Laurent đã đưa áo kẻ ngang vào bộ sưu tập của ông năm 1962. Chiếc áo xanh trắng cũng gắn với Pablo Picasso. Còn biểu tượng Brigitte Bardot chứng tỏ rằng kẻ ngang rất lý tưởng đối với phong cách Riviera cổ điển đậm hơi hướng biển cả, phóng khoáng của cô.
* Kẻ ngang ám ảnh trong những thiết kế của Jean-Paul Gaultier
Những xu hướng thời trang khác có thể sớm nở tối tàn, nhưng cơn sốt kẻ ngang chưa bao giờ có dấu hiệu dừng lại ở các thập kỷ sau đó. Người người mặc Breton, nhà nhà chọn họa tiết sọc ngang vào thập niên 1980 và 1990.
Cũng như Picasso, trang phục cá nhân của nhà thiết kế Jean-Paul Gaultier thường là chiếc áo Breton. Trong cuộc phỏng vấn năm 2014 với tạp chí Dazed, Gaultier chia sẻ lý do ông thích kẻ ngang tới vậy: "Tôi bị ấn định với áo kẻ ngang. Khi còn nhỏ tôi thường mặc áo kẻ ngang, tới khi thành niên tôi vẫn thường mặc chúng vì chợ trời rất nhiều mà lại rẻ nữa". Nhà thiết kế còn nói ông bị mê hoặc bởi chiếc áo phong cách quân đội Pháp. Không chỉ rải khắp các bộ sưu tập, Jean-Paul Gaultier còn đưa họa tiết kẻ ngang lên lọ nước hoa trứ danh Le Male. Nhà thiết kế Jenna Lyons - cựu CEO của nhà mốt J.Crew - say mê kẻ ngang đến mức bà và thương hiệu đã quy ước ngày 31/3 là Ngày Kẻ ngang Quốc gia.
Ngày nay, chiếc áo kẻ ngang phổ biến trong giới thời trang và giới sao qua hình ảnh Công nương xứ Cambridge Kate Middleton, Kate Moss, Alexa Chung, Olivia Palermo... Nhưng nó không chỉ dành cho sao. Hiếm cô gái nào không có áo Breton trong tủ đồ. Không chỉ xuất hiện dưới vô vàn phong cách, áo Breton còn có nhiều mức giá và chất lượng, đồng nghĩa mọi người đều có thể sở hữu một chiếc.
Cũng như sơ mi trắng, nó là món đồ không bao giờ bị thay thế. Áo sọc thủy thủ có thể phù hợp nhiều hoàn cảnh, với nhiều cách phối đồ.