![]() |
Scurr đang theo dõi thí nghiệm. Ảnh: LiveScience. |
Hiện tượng xóc nảy, trong một số trường hợp với bộ ngực nặng đến 9 kg hoặc hơn, có thể gây đau đớn và làm hư hại hệ thống đỡ tự nhiên.
Mặc dù chiếc áo ngực đã được cải tiến suốt trong lịch sử, từ chiếc corset ôm thân đến chiếc áo kỳ diệu làm tăng độ xẻ của rãnh giữa ngực, song chỉ đến gần đây các nhà khoa học mới bỏ chút chất xám để nghiên cứu nó sao cho không chỉ dừng ở vẻ ngoài bắt mắt.
"Chỉ đến gần đây thiết kế áo ngực mới mang tính khoa học", tác giả nghiên cứu Joanna Scurr, một giáo sư về y sinh tại Đại học Portsmouth ở Anh cho biết. "Đã chẳng có nghiên cứu nào về vấn đề này. Nó giống như thể người ta thiết kế nội thất cho xe hơi hay cái bếp mà không cần biết xem mục đích của vật đó để làm gì".
Scurr đã chọn 70 nữ tình nguyện viên, đang là sinh viên đại học, có cỡ bầu ngực từ nhỏ nhất tới lớn cực lớn. Mỗi cô gái sẽ đi bộ, chạy chậm và chạy nhanh trong khi đeo các loại áo ngực khác nhau. Trong thời điểm đó, Scurr thực hiện các phép đo y sinh, trong đó có số lần cử động của ngực theo 3 hướng: lên - xuống, trái - phải và trong - ngoài.
Trong bài tập đi bộ, ngực của phụ nữ di chuyển tương đối đều nhau theo tất cả các hướng. Nhưng khi họ tăng tốc, bộ ngực bắt đầu di chuyển thiên lệch theo hướng nào đó: hơn 50% là di chuyển lên xuống, 22% sang trái phải và 27% là trong ngoài.
Scurr phát hiện thấy, thông thường, áo lót được thiết kế để giảm thiểu cử động lên xuống, chứ không phải theo hai hướng chuyển động kia của bộ ngực. Nó khiến cho bộ ngực dù có được "trang bị" thì vẫn cứ rung lắc như thường.
Với tất cả các size, loại áo lót mà mỗi quả có gọng riêng tạo ra lực đỡ tốt nhất, đồng thời cũng hạn chế được một số rung lắc theo những hướng khác.
Tuy nhiên, bộ ngực có rất ít sự hỗ trợ tự nhiên, tất cả là nhờ các dây chằng và da, Scurr nói. Ngực được cấu thành từ mỡ, tuyến sữa và mô liên kết như collagen, dây chằng và mạch máu. Xung lượng do các cú nảy mạnh gây ra có thể kéo giãn các mô liên kết trong ngực, khiến ngực xệ xuống và gây đau cho nhiều người. Cũng vì lý do không có bộ áo lót tử tế, nên nhiều cô gái đã từ chối tham gia thể thao vì đau ngực.
Scurr đang làm việc với một hãng sản xuất áo lót lớn ở Anh để thiết kế một loại áo có thể giảm tối đa các cử động của ngực theo cả 3 hướng. Bà hy vọng loại áo ngực này sẽ được tích hợp các vật liệu thông minh có thể biến dạng để tạo ra lực nâng đỡ tốt nhất cho mỗi phụ nữ và các mức độ hoạt động của họ.
T. An (theo LiveScience)