Người gửi: Trang Phạm
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: Áo dài bị lạm dụng và lai căng
Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của bạn Bình Minh về sự lạm dụng được gọi là cách tân, cách điệu của tà áo dài Việt Nam và đã đến lúc cần có sự nhất quán trong văn hoá mặc áo dài. Cũng tương tự như kimônô của người dân xứ sở hoa anh đào, hanbok của Hàn Quốc hay chiếc xường xám của người Trung Hoa, áo dài tôn vinh vẻ đẹp truyền thống của văn hoá Việt Nam thông qua sự kín đáo, trang nhã, riêng biệt.
Nhìn lại những cuộc thi sắc đẹp gần đây mới thấy sự lai căng quá đáng trong thiết kế của những trang phục được gọi là áo dài. Thực ra bộ áo dài truyền thống Bùi Thuý Hạnh mang tranh tài trong cuộc thi Hoa hậu Trái đất năm 2004 mà bạn Bình Minh gọi là "váy" quả không sai. Làm sao có thứ áo dài Việt Nam mà cổ bị xén mất làm phô trương một nửa phần ngực? Hai tay áo dài chấm đất và bị xẻ rộng thùng thình. Còn tồi tệ hơn khi bộ "váy" dài này là mặc lại của thí sinh Hoàng Cúc trong cuộc thi Nữ hoàng Du lịch năm 2003 rồi đến năm 2005 lại được Ngô Mai Trang trưng ra thi thố trong cuộc thi Hoa hậu Châu Á Thái Bình Dương. Rồi chưa kể đến bộ "váy dài mà Hoa hậu Mai Phương đem thi trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2003 không có cổ áo và tay áo mà chỉ còn lại hai vạt trước sau và vạt sau dài lê đất lại được Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền mặc lại ở phần thi Người đẹp các tỉnh phía Bắc.
Cuộc thi Hoa hậu Áo dài Việt Nam gần đây một lần nữa cho thấy sự cách điệu quá đáng khi tất cả các thí sinh khi nhận giải (vì xa nhà tôi không trực tiếp theo dõi đêm thi mà chỉ được đọc và xem tin qua báo ảnh) mặc trên mình những tà áo dài giống nhau chỉ trừ phần cổ và ngực được cắt xén vuông tròn cao thấp khác nhau. Áo dài của Hoa hậu Hoàng Diệu chẳng hạn được thiết kế không cổ, bị xẻ rộng, và phần ngực hở được lấp lém che đậy bằng tràng hạt rõ to. Một người bạn nước ngoài của tôi vốn rất thích tà áo dài đã không khỏi ngạc nhiên hỏi tôi có bao nhiêu kiểu áo dài của người Việt, rồi sau đó quay ra giải thích với tôi rằng chị ấy chỉ biết và thích bộ áo dài truyền thống vì nó kín đáo và gợi cảm bợi sự kín đáo đó.
Quả thực áo dài chỉ đẹp khi nó kín đáo. Sự lai căng mà quanh đi quẩn lại chỉ thông qua việc cắt xén đã làm méo mó hình ảnh của tà áo dài, làm phô trương xác thịt của người mặc tạo nên sự phản cảm, lố lăng.