Khi quan sát bức ảnh ở trên, chúng ta sẽ có cảm giác giống như các họa tiết đang xoay tròn, theo Mother Nature Network. Đây là một ảo ảnh quang học, khiến hình ảnh tĩnh dường như đang chuyển động. Hiệu ứng này do sự tương phản màu sắc và vị trí của các hình vẽ gây ra.
Giới khoa học vẫn đang tìm hiểu cách thức tương tác giữa mắt và bộ não để gây ra ảo ảnh thị giác chuyển động. Họ đưa ra giả thuyết rằng, màu trắng khiến các tế bào cảm nhận ánh sáng trên võng mạc mắt ở trạng thái "bật", trong khi màu đen khiến chúng ở trạng thái "tắt". Khi màu trắng hoặc màu đen đứng gần nhau trong bức ảnh, chúng ta sẽ thấy chúng nhấp nháy làm cho bộ não lầm tưởng hình vẽ đang chuyển động.
Ming-Te Chi, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Chengchi, Đài Loan, phân tích những bức ảnh khiến người xem cảm thấy có sự chuyển động trong năm 2008. Chi và nhóm cộng sự cho rằng, sự sắp xếp của các dải màu lặp đi lặp lại trong những hình vẽ nhỏ không đối xứng đóng một vai trò quan trọng tạo ra hiệu ứng chuyển động.
Ngoài ra, sự kết hợp giữa các màu sắc khác biệt với độ tương phản cao sẽ làm cho ảo ảnh thị giác trở nên mạnh hơn, ví dụ như kết hợp màu đen với màu trắng, xanh lam và màu vàng.
Lê Hùng