-
Mọi người đặc biệt lưu tâm tới số phận của các nhân vật trong tiểu thuyết, nóng lòng chờ đợi phần kế tiếp, thậm chí nhiều mệnh phụ phu nhân còn bắt chước sao cho "giống như đúc": từ lối phục sức đến kiểu tóc của nữ nhân vật chính Anna Karenina - được mô tả qua ngòi bút của đại văn hào lỗi lạc.
Bốn năm sau, đầu sách tiểu thuyết cuốn hút về thân phận của người phụ nữ Nga tài sắc và bạc mệnh Anna Karenina đã được bạn đọc ngoại quốc biết đến, trước hết qua bản dịch bằng tiếng Czech ở Trung Âu. Rồi các bản dịch Đức ngữ của cũng như Pháp ngữ được hoàn tất vào năm 1885. Trong hai năm kế tiếp, lần lượt xuất hiện thêm các bản dịch Anna Karenina với các ngôn ngữ phổ biến còn lại ở "lục địa cũ": tiếng Anh, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Nauy, Phần Lan, Italy, Thuỵ Điển, Hà Lan... Sang nửa đầu thế kỷ 20, kiệt tác bất hủ của đại văn hào Liev Tolstoy chính thức chinh phục châu Á: tiếng Nhật (1906), tiếng Hoa (1913), tiếng Myanmar (1952), tiếng Ấn Độ (1955), Việt Nam... chưa kể hầu như năm nào cuốn sách cũng được các nhà xuất bản hàng đầu châu Âu tái bản theo yêu cầu của công chúng.
![]() |
Một cảnh trong phim Anna Karenina do Pháp chuyển thể. |
Chỉ ít lâu sau khi Anna Karenina ra mắt độc giả, văn sĩ - bá tước Liev Tolstoy liên tiếp nhận được những lời đề nghị cho phép chuyển thể sang kịch bản sân khấu. Trong giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cốt truyện dựa theo tiểu thuyết cùng tên đã được dùng trong một số vở opera trên sân khấu châu Âu. Tới đầu thập niên 1910, ngay từ thuở mới khai sinh bộ môn nghệ thuật thứ bảy, giới điện ảnh chuyên nghiệp Nga đã "để mắt" tới Anna Karenina. Bộ phim đầu tiên khởi quay về chủ đề này tiến hành tại Matxcơva vào năm 1911 và chỉ kéo dài 12 phút. Ba năm sau xuất hiện cuốn phim thứ hai dài hơn với đúng 15 phút và đều thuộc thể loại phim câm. Trong những năm kế tiếp lần lượt các nhà làm phim Mỹ, Anh, Đức, Nhật... đều chú tâm tới việc chuyển thể kịch bản cho tiểu thuyết trứ danh của Tolstoy. Đại diện tiêu biểu cho vai Anna Karenina trên màn bạc Mỹ trong những năm 1920 là nữ minh tinh người Thuỵ Điển Greta Garbo, còn vào thập niên 1940 là nữ siêu sao Vivien Leigh (từng đóng cặp với Clark Gable trong tác phẩm điện ảnh kinh điển Cuốn theo chiều gió). Đồng thời, hai ngôi sao màn bạc tiếng tăm khác của châu Âu là Gina Lollobrigida và Sophia Loren luôn công khai thổ lộ mong ước cháy bỏng được thủ vai Anna Karenina. Riêng người đàn bà giàu nhất kinh đô điện ảnh Hollywood Elizabeth Taylor từng lên tiếng trước đám đông hâm mộ: "Nguyện ước lớn nhất trong sự nghiệp đóng phim đầy hiển hách của tôi là được nhập vai Anna Karenina, nhằm lột tả cuộc đời bất hạnh của một phụ nữ duyên dáng, thông minh, có tâm hồn cao đẹp".
Tại cố hương của mình, nửa thế kỷ sau, Anna Karenina mới có dịp tái xuất giang hồ trên màn ảnh lớn. Qua cuộc tuyển lựa gian nan giữa hàng nghìn ứng viên vào giữa thập niên 60, cuối cùng, nữ diễn viên lừng danh của màn bạc Xô viết Tadana Smoylova đã được chọn nhờ nét quyến rũ đầy bí ẩn giống y nguyên tác từng hớp hồn bạn đọc trong tiểu thuyết của Liev Tolstoy. Còn vai nữ bá tước Betsi Tveskaia - một nhân vật trứ danh khác cũng thuộc Anna Karenina - do siêu sao ballet gạo cội Maia Pliseskaia đóng. Tại Mỹ, có cả thảy gần 30 bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết bất hủ Anna Karenina trong lịch sử của kinh đô điện ảnh Hollywood. Cuốn phim mới nhất đã ra mắt công chúng yêu bộ môn nghệ thuật thứ bảy vào cuối thập niên 1990 của thế kỷ trước. Lần này, diễn viên người Italy Sophia Loren tuy đã ngoại tứ tuần những vẫn vào vai Anna Karenina rất thành công, qua sự chỉ đạo của đạo diễn tài ba Jimi Roosen.
Thiên truyền hình nhiều tập Anna Karenina được trình chiếu lần đầu tiên tại Brazil - quê hương của thể loại phim tivi ăn khách nhất - do giới làm phim truyền hình địa phương dàn dựng, kéo dài suốt nửa năm, đều đặn thu hút hàng triệu khán giá háo hức quây quanh màn ảnh nhỏ trong 5 buổi tối thường nhật.của một tuần lễ. Tới những năm 1970, một thiên truyền hình cũng tên tương tự cũng được công chiếu trên tivi Anh, dưới sự dẫn dắt của đạo diễn lừng danh Donald Winson.
Tiểu thuyết Anna Karenina với bối cảnh của thế kỷ 19 là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho nền văn học Nga cận đại. Dưới ngòi bút kỳ tài của đại văn hào Liev Tolstoy, đầu sách trữ tình này vẫn lôi cuốn nhiều thế hệ bạn đọc tiếp nối. Không chỉ độc giả đam mê tiểu thuyết mới tỏ lòng ngưỡng mộ với Anna Karenina, mà dư âm của kiệt tác văn chương này còn lôi cuốn ngay cả giới công chúng vốn chết mê chết mệt điện ảnh và truyền hình nữa.
(Nguồn: Văn Nghệ, số ra ngày 21/9/2006)