H.T. -
Trước năm 1917, bao quanh Akhmatova đã là những vầng hào quang lấp lánh. Bà là tác giả của những sáng tác mang tính chất tiên phong, là người phụ nữ quyến rũ và mê hoặc đến độ có thể khiến cho đàn ông gặp họa. Rất nhiều nam nhà thơ, nhà văn đã hết lòng say mê gương mặt có chiếc mũi gẫy của bà. Trong số đó có Nikolay Gumilev, người về sau trở thành chồng nhà thơ. Gumilev theo đuối Akhmatova từ thuở bà mới 14, 15 rồi khi đã cưới được bà, ông bỏ rơi người vợ trẻ để đến với một phụ nữ khác ngay trong tuần trăng mật. Nhưng khi Gumilev bị kết án tử hình vì tội "chống chính quyền Xô viết", cậu con trai Lev Gumilyov bị lưu đày đi Siberia, bà chính là người một thân một mình lao tâm khổ tứ, chịu mọi tủi nhục để cứu chồng, cứu con. Trong bài Requiem – một sáng tác nổi tiếng của Akhmatova, bà viết: "Chồng chết/ Con vào ngục/ Xin hãy cầu nguyện cho tôi".
Tài hoa và xinh đẹp khiến người đời ghen tỵ, nên Akhmatova dường như đã phải "trả giá" xứng đáng cho những gì tạo hóa ban cho mình. Với Akhmatova, không có gì tồi tệ hơn việc người ta coi thơ bà là thứ chủ nghĩa ấn tượng không thể nào hiểu nổi và kết tội bà là kẻ làm điên đảo những người đàn ông đã nhà êm cửa ấm. Akhmatova từng bị coi là một phần tử tư sản. Tác phẩm của bà bị kiểm duyệt chặt chẽ và gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình xuất bản. Hầu như tất cả những bài thơ bà viết đều bị coi là "xa rời công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội".
![]() |
Nhà thơ Anna Akhmatova |
Sự nổi danh của Akhmatova ở nước ngoài đã giúp nhà thơ giữ được mạng sống, nhưng cuộc đời bà diễn ra không hề yên ả: cảnh sát không ngừng theo dõi từng đường đi nước bước của bà. Những năm 1950, danh tiếng của Akhmatova mới được phục hồi. Nhiều bài thơ của bà trước đây từng bị cấm giờ được phép xuất bản một cách rộng rãi. Nhưng dù có được xuất bản chính thức, hợp pháp hay không thì thơ bà vẫn được lưu hành trong lòng độc giả: hoặc bằng những bản in lậu, hoặc qua con đường truyền miệng- một hình thức phổ biến trong đời sống văn học Nga, không chỉ riêng với Akhmatova.
Thực tế, một số ngôn ngữ bình thường vốn đã đẹp hơn những ngôn ngữ khác. Và tiếng Nga là một trong những ngôn ngữ đẹp nhất. Điều đó có thể được chứng minh bằng những bài tiểu luận của Akhmatova. Khi Akhmatova.viết về những trang văn "giàu chất trữ tình" của Pushkin, người ta cũng đồng thời nhận ra sự giàu có và trữ tình trong ngôn ngữ của bà. Sẽ không có gì là quá lạc quan khi khẳng định, nếu có điều kiện, Akhmatova cũng sẽ trở thành một nhà phê bình tài hoa.
Trong suốt cuộc đời, Akhmatova đã luôn tìm cách né tránh cách mạng, nhưng cách mạng không đáp trả bà bằng một thái độ lịch sự tương tự. Từ những năm 1920, thơ bà bị quy kết là xa rời cuộc đấu tranh của nhân dân.
Những cấm đoán, kiểm duyệt đối với Akhmatova chỉ bớt căng thẳng từ những năm 1940 nhưng kể từ đó, bà không còn được làm một nhà thơ theo đúng nghĩa. Nguồn sống chủ yếu của Akhmatova là dựa vào một ít tiền tài trợ, nhuận bút từ công việc dịch thuật, viết thuê. Chính vì vậy, quyết định khai trừ bà khỏi Hội Nhà văn Xô viết, ở góc độ nào đó, cũng tương đương với một cái án tử hình.
(Nguồn: Slate)