Giữa trưa nắng, sau cú va chạm với chiếc ôtô, người phụ nữ ngã lăn ra đường. Trong khi người tham gia giao thông còn đang ngơ ngác thì một chiếc xe máy dừng lại, Phạm Quốc Việt tay đeo băng chữ thập đỏ, chiếc mũ bảo hiểm dán chữ "Cứu nạn" vội vã xuống xe, đỡ người bị nạn vào lề đường, mở túi đựng dụng cụ y tế bắt đầu quy trình sát trùng, băng bó. Nếu không có bộ đồng phục của một hãng xe ôm công nghệ, nhiều người sẽ lầm tưởng anh là một bác sĩ chuyên nghiệp.
Khi việc sơ cứu đã xong xuôi, người phụ nữ bị tai nạn mới quay sang hỏi chuyện: "Anh là xe ôm ạ? Chồng em cũng chạy xe. Em cảm ơn anh nhiều nhé", chị nói. Việt cười, rút túi đưa tấm danh thiếp giới thiệu đội sơ cứu - cứu nạn. Thấy người phụ nữ nói chồng chuẩn bị đến đón, anh yên tâm rời đi.
11h khuya, anh Việt trở về phòng trọ ở Tả Thanh Oai, Thanh Trì thì nhận được tin nhắn từ số máy lạ. "Em là người hôm nay được anh giúp trên đường. Cảm ơn và xin lỗi anh". "Tại sao phải xin lỗi", anh ngạc nhiên hỏi lại. "Hôm trước chồng em nhận được thư mời tham gia lớp sơ cứu của bọn anh. Anh ấy hỏi em có nên đi không và em đã nói 'Không có tiền thì đi làm gì'", chị thành thật.
Anh Việt gửi mặt cười, nhắn lại: "Lần tới, cả hai người đi học nhé". Nhưng đến nay, anh vẫn chưa gặp lại người phụ nữ mình từng giúp đỡ.
Đó cũng là điều khiến người Đội trưởng đội hỗ trợ Sơ cứu - Cứu Angle nạn trăn trở nhất. Anh thành lập đội vì muốn nhiều người nắm được kỹ năng sơ - cấp cứu và sẵn sàng giúp đỡ người cần kịp thời, đúng cách. Tuy nhiên, là nhóm tự lực, không có kinh phí hoạt động, những người tham gia phải tự bỏ tiền túi lo bông, băng, thuốc sát trùng...
"Làm xe ôm thu nhập thấp nên không phải ai cũng sẵn lòng vào đội", Việt nói.
Năm 2016, trong lúc đi làm ở Tuyên Quang, Phạm Quốc Việt bị xe máy tông. Cơ thể anh gần như bất động còn người gây tai nạn bất tỉnh. "Đầu óc tôi vẫn minh mẫn. Tôi nằm khắc khoải hy vọng sẽ có người đến cứu, nhưng vài người lướt qua chúng tôi với vẻ e dè", anh kể.
Anh hướng mắt ra xa, thấy xe tải nối nhau lao vun vút trên cầu xuống chỗ mình đang nằm. Việt lo sợ với tốc độ đó, nếu không quan sát kịp, xe rất dễ tông vào mình và người đang bất tỉnh kia. Bản năng sinh tồn trỗi dậy, anh dùng sức mạnh còn lại để giơ cánh tay phải lên kêu cứu.
Cuối cùng cũng có người dừng xe đưa hai người bị nạn đi viện. "Nhưng những phút cô độc đó luôn ám ảnh. Tôi không muốn ai bị nạn cũng phải trải qua cảm giác bị bỏ rơi như mình", người đàn ông quê Nam Định nói.
Một năm sau, anh từ Tuyên Quang xuống Hà Nội chạy xe ôm công nghệ kiếm sống. Nhìn thấy người gặp nạn trên đường, Việt đều dừng xe giúp đỡ.
Từng có thời gian ở quân ngũ, Việt được đào tạo về kỹ năng sơ cứu- cấp cứu. Lại có ông bà, mẹ, em trai đều là bác sĩ, anh tích lũy khá nhiều kiến thức y khoa. "Có lẽ một phần ‘máu’ thích cứu người truyền từ thế hệ trước, chỉ là giờ mới bật nút khởi động", Việt giải thích.
Rút kinh nghiệm sau vài lần bị đánh trong lúc cứu người vì bị hiểu lầm là người gây tai nạn, nam tài xế mua túi đựng dụng cụ sơ cứu, dán logo chữ thập đỏ khi ra đường.
Tháng 9/2019, Việt đứng ra thành lập đội Sơ cứu - Cứu nạn miễn phí gồm 5 thành viên. Trước đó, anh được công ty cử tham gia khóa đào tạo kỹ năng sơ cứu do tổ chức Survival Skills Vietnam (SSVN - Kỹ năng sinh tồn Việt Nam) tổ chức. Đến nay, đội đã có 20 thành viên (trong đó có 2 nữ) và hàng chục tình nguyện viên.
Anh Phan Nhật Quang (30 tuổi, ở Hà Tĩnh) từng bị tai nạn giao thông trên đường vào cuối năm ngoái. Đúng lúc đó, anh Việt xuất hiện với túi cứu thương trên tay. Không thương tích, Quang ngồi phệt dưới vỉa hè, ngạc nhiên nhìn đồng nghiệp sơ cứu cho nạn nhân.
Giờ đây Quang là một trong những thành viên tích cực nhất trong đội. "Thấy việc làm của đội ý nghĩa và thiết thực quá nên tôi tham gia. Vào rồi mới thấy hết sự nhiệt tình của anh Việt. Đang nửa đêm nhưng có người gọi cứu nạn, anh vẫn đi", Quang nói.
Một tuần, đội gặp nhau một lần để tổng kết và trang bị thêm kiến thức về sơ cứu. "Trước đây trung bình một ngày nhóm sơ cứu cho khoảng 9 trường hợp gặp tai nạn, xô xát, nhưng từ khi nghị định 100 về cấm rượu bia ban hành thì chỉ còn 3-4", anh đội trưởng cho biết.
Các điểm nóng giao thông như đường vành đai 3 trục Nguyễn Trãi, ngã tư Nguyễn Xiển, đường Võ Chí Công, Hoàng Hoa Thám,... đều có số điện thoại đường dây nóng của đội.
Khi nhận tin có tai nạn và tiếp cận được hiện trường, việc đầu tiên của các tình nguyện viên, thành viên của nhóm là chụp ảnh nạn nhân gửi vào nhóm chat chung. Các bức ảnh sau đó được chuyển tới công an, người nhà nạn nhân để họ nắm tình hình. Ngoài ra, đó còn là căn cứ giúp Việt nhận định tình trạng của người gặp nạn để điều phối và tư vấn cho người ở hiện trường.
Nhìn định vị điện thoại anh biết rõ các thành viên trong nhóm đang ở vị trí nào. Khi người ở điểm xảy ra tai nạn yêu cầu hỗ trợ, Việt nhấc máy gọi thành viên ở gần nhất đến.
Có lần xem ảnh chụp nạn nhân, Việt nhắn vào nhóm "thương tích như thế này sơ cứu vô ích". Lúc đó, thành viên đang ở hiện trường hiểu việc nên làm ngay là gọi cấp cứu, công an và thân nhân người bị nạn. Có mặt ngay khi xảy ra tai nạn và rời đi trước khi người nhà nạn nhân đến, họ hiếm khi nhận được lời cảm ơn.
"Việt là người dũng cảm. Không phải ai cũng sẵn lòng giúp đỡ một người gặp nạn trên đường và không phải ai cũng đủ tinh để nhận ra tình trạng của nạn nhân như thế nào để xử lý tình huống, nhưng Việt làm được", chị Trang Jena Nguyễn, đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Survival Skills Vietnam nhận định.
Chị Trang đặc biệt "cảm mến tấm lòng" vì cộng đồng của Việt. Khi anh thành lập đội, chị hai lần trực tiếp ra Bắc đào tạo kỹ năng sơ cứu cho cả nhóm. Cũng được mời vào nhóm chat với tư cách chuyên gia tư vấn, chị Trang hỗ trợ chuyên môn cho đội khi cần thiết.
"Ở nước ta, mỗi năm, tai nạn đường bộ trung bình cướp đi khoảng 7.000-8.000 người. Khi nạn nhân gặp tai nạn trên đường, nếu biết cách sơ cứu đúng thời điểm vàng, cơ hội cứu sống rất cao, mức độ thương tật giảm đáng kể. Tuy vậy, người Việt mình ít quan tâm, thậm chí bỏ quên kỹ năng cơ bản này", chị Trang Jena Nguyễn nói. Theo chị, nên nhân rộng mô hình đội sơ cứu di động có kiến thức, kỹ năng như đội của Việt để nhiều người được cứu giúp kịp thời.
Nhiệt huyết với hoạt động của đội, nhưng nhiều đêm Việt mất ngủ vì tranh đấu với chính mình: "Hay là bỏ quách đi để tìm một công việc ổn định, lương cao, xã hội có cái nhìn khác?". Thế nhưng, cảm giác bất lực vì không thể rời nơi làm việc để cứu một người gặp nạn lại thúc giục anh lên đường vào sáng hôm sau.
"Ước muốn của tôi là mô hình sơ cứu - cứu nạn sẽ được nhân rộng khắp các địa phương trong cả nước để không chỉ Hà Nội, mà người gặp nạn ở đâu cũng 'không bị bỏ lại'", anh nói.
Phạm Nga