Kết quả mà Ánh Viên đạt được trong những ngày thi đấu tại Myanmar là đáng mơ ước, xét tới tuổi đời còn quá trẻ của cô - 17 tuổi, cũng như việc Ánh Viên giúp làng bơi nữ Việt Nam giải cơn khát vàng trong suốt 54 năm lịch sử SEA Games. Tuy nhiên, sau ngày thi đấu cuối cùng hôm qua, vận động viên đến từ Cần Thơ này thừa nhận đây vẫn không phải là kỳ đại hội thành công của cô.
“Thành công của tôi tại SEA Games lần này thì cũng có, nhưng chưa được như mong muốn. Tôi muốn số HC vàng của mình tăng lên con số năm. Tôi sẽ cố gắng tập luyện để được đi dự Olympic trẻ và Asiad, tôi muốn cải thiện hơn nữa thành tích của mình ở nội dung 200 mét ngửa và 400 mét hỗn hợp”, Ánh Viên chia sẻ với VnExpress.net.
Quan điểm này nhận được sự đồng tình từ HLV Đặng Anh Tuấn. Ông cho rằng Ánh Viên có khả năng giành thêm từ hai đến ba HC vàng nữa trong số năm nội dung còn lại mà cô thi đấu tại SEA Games 27, đặc biệt là 400 và 800 mét tự do, nếu giải quyết được vấn đề tâm lý.
Trong số 3 HC vàng cá nhân mà Ánh Viên vừa giành được, ban huấn luyện chỉ hài lòng về thông số của cô ở nội dung thi đấu cuối cùng - 400 mét hỗn hợp sở trường. Hôm 16/12, Ánh Viên đã phá kỷ lục SEA Games với thời gian 4 phút 46 giây 16. Đây cũng là thành tích tốt nhất từ trước tới nay của cô ở trên đường đua 400 mét hỗn hợp, nhanh hơn tới 1 giây 73 so với mốc 4 phút 47 giây 89 mà Ánh Viên đạt được tại giải vô địch thế giới trước đó.
Tuy nhiên, cự ly mà ban huấn luyện đang tập trung cho kình ngư này để hướng tới tranh chấp huy chương Asiad ở Incheon (Hàn Quốc) sang năm là 200 mét ngửa. Tại SEA Games 27, nữ kình ngư Việt Nam đạt thành tích 2 phút 14 giây 80, phá kỷ lục cũ là 2 phút 15 giây 73 và đoạt HC vàng. Nhưng thành tích này vẫn kém xa mốc 2 phút 11 giây mà Ánh Viên từng đạt được trong tập luyện.
“Đấy là lộ trình mà chúng tôi đang đi. Ba HC vàng tại SEA Games hoàn toàn không có ý nghĩa với lộ trình phát triển của Ánh Viên. Nếu đặt nặng mục tiêu huy chương, tôi sẽ không để Ánh Viên thi đấu ở tám cự ly, mà chỉ dồn vào ba cự ly thế mạnh của vận động viên này. Nhưng làm như thế, Ánh Viên chắc chắn sẽ trở thành một con ‘hổ giấy’. Cô ấy cần phải thi đấu ở những nội dung có các đối thủ mạnh hơn, để biết mình đang thấp hơn, kém hơn người ta ở những điểm nào, chứ không thể lúc nào cũng nghĩ rằng mình đã hơn người ta", HLV Anh Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, Ánh Viên cần được rèn giũa thật nhiều trong môi trường khắc nghiệt để hướng tới Asiad. "Ba chiếc HC vàng và hai kỷ lục SEA Games chưa biết sẽ biến thành một chiếc HC màu gì ở Asiad, nhưng tôi tin rằng với nỗ lực vượt qua những khó khăn gian khổ của tập luyện đỉnh cao mà Ánh Viên đã thể hiện trong vài năm qua, ở Asiad tới, chúng ta sẽ được hái quả ngọt”.
Cùng với ba HC vàng của Ánh Viên, bơi Việt Nam còn có hai HC vàng khác, của Quý Phước (200 mét tự do) và Lâm Quang Nhật (1.500 mét tự do) ở đội bơi nam.
Nếu như Quý Phước đã thành danh khi anh tới SEA Games 27 với tư cách là nhà đương kim vô địch 100 mét bướm và 100 mét tự do, thì việc tài năng 16 tuổi Lâm Quang Nhật về nhất 1,500 mét tự do ngay trong lần đầu tiên tham dự là bất ngờ lớn với ban huấn luyện đội tuyển bơi và các chuyên gia.
“Tôi ấn tượng nhất với HC vàng 1,500 mét của Lâm Quang Nhật. Đó là thành tích bất ngờ rất đáng khâm phục, bởi em còn rất trẻ và trước đây, chúng ta chưa hề có huy chương ở cự ly dài trong hồ bơi. Đó là kết quả bất ngờ, ấn tượng hơn cả những gì mà Ánh Viên làm được”, HLV Anh Tuấn nhận xét.
Tuy nhiên, để đổi nhiều HC vàng SEA Games lấy một tấm huy chương, bất cứ là màu gì ở Asiad, là một khoảng cách rất dài.
Ở nội dung trọng điểm của Ánh Viên - 200 mét ngửa, thành tích của cô ổn định ở mức 2 phút 11 giây trong tập luyện, nhưng để vào tốp ba châu lục, Ánh Viên cần cố gắng đạt khoảng 2 phút 08 giây.
Ở nội dung 200 mét ngửa nam, Quý Phước giành HC vàng với 1 phút 50 giây nhưng các kình ngư Hàn Quốc và Trung Quốc chỉ bơi 1 phút 46 giây. Ở nội dung 1.500 mét tư do nam, Quang Nhật cũng mới ở mức hứa hẹn, bởi top ba Asiad đều bơi dưới 14 phút 30 giây, trong khi vận động viên Việt Nam, dù tạo đột biến khi thi đấu so với tập luyện, cũng mới chỉ 15 phút 39 giây.
Sau khi Quang Nhật giành HC vàng tại SEA Games 27, Wu Na - chuyên gia người Trung Quốc trực tiếp huấn luyện anh - cũng cho biết, bà chưa thể nói trước về khả năng cạnh tranh huy chương của Quang Nhật tại đấu trường châu lục, mà chỉ cố gắng duy trì vị trí của em trong tầm khu vực.
Điều đó có nghĩa Ánh Viên sẽ là mũi nhọn duy nhất để bơi Việt Nam "tấn công" vào đấu trường châu lục ở nội dung sở trường - 200 mét ngửa nữ.
Phương Minh