
Ảnh chụp từ vệ tinh khu vực đóng tàu ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, hôm 22/9. Ảnh: Airbus Defence & Space.
Hình ảnh vệ tinh do Airbus Defence & Space (ADS) chụp hôm 22/9 cho thấy tàu sân bay có thể đang được đóng tại xưởng đóng tàu ở thành phố Đại Liên, IHS Jane's đưa tin. Đây cũng là nơi tân trang một tàu sân bay cũ của Ukraine và sửa chữa thành tàu Liêu Ninh, tàu sân bay duy nhất của hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN).
Phần thân tàu mới, xuất hiện trong ảnh vệ tinh chụp ngày 10/3, đang ở giai đoạn lắp ráp tích cực. Theo ảnh chụp ngày 10/3, vị trí các thiết bị hỗ trợ cho thấy thân tàu dài từ 150 đến 170 m, rộng khoảng 30 m. Thân tàu được lắp ráp suốt mùa hè, hiện dài 240 m, rộng 35 m và sẽ dài ít nhất 270 m khi hoàn thành.
Những đồn đoán về việc Trung Quốc chế tạo tàu sân bay mới xuất hiện từ tháng 2 và được xác nhận trong các tài liệu nội bộ của Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc vào tháng 7. "Nhiệm vụ ưu tiên đóng tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân đang diễn ra thuận lợi, mang lại những kết quả đáng chú ý", truyền thông Đài Loan dẫn lại nội dung một tài liệu cho biết.
Wang Min, bí thư đảng ủy tỉnh Liêu Ninh, nói Trung Quốc hy vọng có thể đóng xong tàu vào năm 2020. Các tàu sân bay nội địa sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường khả năng bảo vệ lãnh thổ ngoài biên giới.
"(Tàu sân bay Trung Quốc tự sản xuất) có thể được cải thiện thời gian hoạt động liên tục, chở nhiều loại máy bay như tác chiến điện tử, cảnh báo sớm và chống ngầm, giúp 'nhóm tàu sân bay chiến đấu' tăng khả năng tấn công để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc", một báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết.
Trung Quốc hiện chỉ có một tàu sân bay tên Liêu Ninh trong biên chế. Tàu Liêu Ninh, vốn là tàu Varyag của Liên Xô cũ, dài khoảng 300 m, được Trung Quốc mua từ Ukraine, sau đó tân trang lại và đưa vào hoạt động hồi tháng 9/2012.
Như Tâm