Ca sĩ Ánh Tuyết. |
Tôi sinh ra ở phố cổ Hội An, cuộc sống đang êm đềm trôi với nghề hát ca vừa chọn, thì gia đình bất ngờ bị suy sụp kinh tế phải bán để trả nợ. Ba má phải lên Đà Lạt tá túc gia đình bà cô... cũng là lúc tôi được trúng tuyển vào trường nhạc ở Huế. Thế là gia đình tôi ly tán mỗi người một phương.
Tốt nghiệp trung cấp thanh nhạc với mảnh bằng hạng ưu, tôi quyết tìm đường sống ở TP HCM, nơi có đời sống ca nhạc phong phú nhất nước. Năm nào, tôi cũng nhận được HC vàng đơn ca trong Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc. Thế nhưng bộ dạng của tôi lúc đó giống như con ma đói, mà đói thật, tiều tụy đến không ngờ dưới mắt những người quen cũ ở thành phố ồn ào mà rộng lớn... nên không có ai ngó đến, rồi sau đó tôi cũng được nhận vào một đoàn ca nhạc. Lúc mới vào, tôi không còn đồng xu dính túi, phải gặm bánh mì cầm hơi. Hai xấp vải mang theo dự định may áo để đi hát cũng đành phải bán để chi tiêu ăn uống... Rồi sự kèn cựa của một ca sĩ trong đoàn lại làm cho tôi nản... Không hiểu sao tôi hay khóc và dễ bị tổn thương đến như thế. Ngay khi xong đêm diễn đầu tiên thành công trên đất Sài Gòn, tôi mua vé xe tìm về thăm bạn ở Khánh Hòa. Không ngờ tôi gặp may mắn. Chính nơi đây đã cưu mang nâng đỡ tôi. Tôi không bao giờ quên ơn những chú bác lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ. Sau nhiều năm lưu lạc, gia đình tôi được đoàn tụ, và được nhập hộ khẩu vào khu tập thể khi tôi được nhận vào Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng. Có thể nói đó là thời gian tôi dốc tâm huyết để thể hiện tốt nhất khả năng ca hát cũng như sở học của tôi. Một thời gian lao động nghệ thuật rất có ý nghĩa đối với tôi.
Năm 1985, một lần nữa tôi trở lại TP HCM tham dự Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc, dưới màu áo của Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng. Tại Liên hoan, tôi giành 5 HC vàng dành cho đơn ca, song ca, tốp ca, lĩnh xướng và cả hát tấu hài. Nhưng rồi sau đó, tôi lại tính chuyện rời khỏi đoàn vì phải nhường chỗ cho ca sĩ khác trẻ hơn. Cũng từ đây tôi mất nhiều thứ: tình yêu, sự nghiệp, tất nhiên cả thu nhập của cả gia đình nữa. Tôi quyết định về Sài Gòn làm ca sĩ tự do.
Đúng là ở Sài Gòn mà không có tiền thì quá tội, nhất là đi hát ở đây mà không có tiền thì còn tội nghiệp hơn. Có lẽ khi tôi chọn phong cách ăn mặc đơn giản với chiếc áo dài trắng đi hát không phải chỉ vì phù hợp với thể loại nhạc mà tôi chọn, mà còn vì nghèo không có tiền sắm áo quần. Nhưng cái nghèo không làm tôi khổ bằng việc chầu chực để được lên sân khấu. Dường như bất kỳ ca sĩ nào cũng là sao để có quyền giành hát trước. Mỗi đêm đi hát, tôi chễm chệ trên chiếc xích lô... khi hát xong lại thả bộ về phòng trọ. Tôi phải tiết kiệm từng đồng để có thể sống đến ngày mai đi hát tiếp! Vậy mà có tụ điểm ca nhạc nọ, khi tôi đến nơi thì người quản lý bảo nghỉ hát vì sếp nói khán giả ở đây chỉ thích "nhạc sến"! Người ấy còn gợi ý là tôi phải mua quà tặng sếp... Thế là tôi lội bộ về nhà, vừa đi vừa tấm tức khóc. Chợt nghĩ, hát cho đoàn nhà nước thu nhập dù ít nhưng vẫn ổn định hơn. Nhưng trong tôi lại có một tiếng nói khác: Chẳng lẽ với rất nhiều huy chương vàng từ nhỏ đến lớn, với những năm tháng được đào tạo thanh nhạc và khả năng ca hát được nhiều người công nhận mà tôi lại không kiếm được một vị trí nào đó ở trên các sân khấu kia sao?".
Trong những tháng ngày khốn khó ấy, tôi luôn nhớ ơn anh Đình Văn. Anh đã giới thiệu cho tôi đi hát nhiều nơi. Có khi tôi không có show nào cả, anh Đình Văn tìm đến chia cho tôi một nửa cát xê của anh. Tôi còn nhớ cát xê của anh hồi đó cũng chỉ 30.000 đồng. Và tôi cũng hàm ơn anh trai tôi. Anh đã động viên tôi rất nhiều, anh sáng chế những cây đèn ngủ rất đẹp để tôi đi bán kiếm thêm thu nhập... nuôi nghề hát ca. Cho đến một đêm mà có lẽ trọn đời tôi sẽ không thể nào quên. Đêm 30/7/1993 ấy, đêm nhạc Văn Cao tổ chức giữa Sài Gòn, tôi đã được khán giả đón nhận với Buồn tàn thu, Thiên thai... Từ đó, cuộc sống của tôi được cải thiện rất nhiều, tên tuổi cũng dần được biết đến. Giờ đây, tôi hài lòng với con đường mình đã lựa chọn mặc dù phải trải qua nhiều cay đắng.
Ánh Tuyết
(Theo Thanh Niên)