Ca sĩ Ánh Tuyết. |
- Nhiều khán giả đã bất ngờ khi nghe chị hát Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Trịnh Công Sơn, và nhận xét giọng ca của chị giống ca sĩ Thái Thanh, chị nghĩ sao?
- Tôi cho đó là giai đoạn đầu người ta mới nghe mình hát. Tôi không phủ nhận giọng hát của mình có phần nào chịu ảnh hưởng của cô Thái Thanh, và tôi cũng cảm ơn những ca sĩ như Hà Thanh, Thanh Thúy, Mai Hương, Lệ Thu, Elvis Phương đã giúp mình đốt giai đoạn, học hỏi, rèn luyện cách lột tả tâm trạng bài hát, xử lý tinh tế kỹ thuật nhấn nhá, luyến láy, nhả chữ... Từ đó biến những cái đã học thành cái của mình.
- Làm thế nào chị luôn giữ chất giọng và tâm hồn trong trẻo như vậy?
- Sống tự nhiên và lúc nào cũng thật. Cái đẹp không nằm ở sự giả tạo.
- Chị hài lòng với cuộc sống gia đình?
- Ở đời không ai hoàn thiện cả. Cuộc đời là vô chừng. Tóm lại phải biết chấp nhận vì con người không phải là trời, là đất nên phải biết dừng lại, có tham quá cũng không đủ sức. Có ai dám cho rằng chồng con mình hiểu mình tất cả, vì ai cũng có một khoảng trống nào đó trong lòng và khoảng trống đó vơi đầy liên tục. Ông xã tôi là người Pháp và rất yêu nghề của vợ, nhưng anh ấy khó mà chia sẻ với tôi những trăn trở, buồn tủi của cái nghiệp này. Chúng tôi đã cố gắng giữ vững hạnh phúc để cả hai được phấn đấu cho một sự nghiệp vững chãi.
- Về thăm quê nội ở Sergy, gần biên giới Thụy Sĩ, con chị thích điều gì nhất?
- Con trai tôi là Toàn Henri thích tuyết rơi, nó bảo tên của mẹ là Tuyết nên nó mê cái lạnh ở quê nội.
- Chị nghĩ gì khi mọi người nói ca sĩ là nghề rất bạc?
- Vì nghề ca sĩ là bề nổi, người đời dễ nhìn thấy những thất bại, sai lầm nên dễ đàm tiếu, chứ kỳ thực nghề nào chẳng bạc. Tôi nghĩ bạc hay không là mình, vấn đề là nhìn thấy điều gì và sử dụng nghị lực đang có để vươn tới.
- Vì sao sân khấu ca nhạc ATB của chị sớm tan rã như vậy?
- Sau hai chương trình lưu diễn xuyên Việt Hội trùng dương, Suối mơ đến Thiên Thai, ATB cần mở rộng hoạt động tầm cỡ lớn hơn. Hiện nay, ATB chuẩn bị trụ tại rạp Long Phụng và sẽ thực hiện chương trình Hồn Việt Nam với những thiên sử ca. Tuy nhiên, chương trình này đòi hỏi phải có sự đầu tư của nhiều phía, vì mong muốn của tôi là qua âm nhạc có thể giáo dục giới trẻ về lịch sử dân tộc. Chương trình này sẽ kết hợp giữa âm nhạc và tuồng với những mảng miếng sân khấu hóa sinh động.
- Dự định tương lai của chị?
- Chuẩn bị cho ATB đóng đô dài hạn ở Long Phụng. Một tuần sẽ diễn 7 chương trình: Giới thiệu tác phẩm, tác giả; Đêm nhạc Jazz; Những tình khúc vượt thời gian; Đêm nhạc kháng chiến, Đêm nhạc Trịnh Công Sơn và Đêm nhạc trẻ. Ngoài ra, ATB sẽ mở lớp học thanh nhạc, âm nhạc miễn phí cho trẻ con nghèo, cơ nhỡ.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)