- Từ khi bước chân vào con đường âm nhạc, thấm thoắt mấy chục năm. Chị thấy mình được và mất những gì?
- Nếu nói thật chính xác thì đã 41 năm tôi say sưa ca hát (1964), 36 năm tôi thật sự đứng sân khấu (1969). Hồi tưởng lại, tôi thấy mình gặt hái nhiều thành quả trên con đường nghệ thuật. Nhưng điều khiến tôi hạnh phúc nhất là tình cảm yêu thương của bạn bè công chúng, của tất cả những người tôi đã gặp trong cuộc đời giờ đây vẫn còn nguyên vẹn và chân tình.
Ca sĩ Ánh Tuyết. |
Cho đến giờ nhìn lại tôi thấy mình "được" nhiều. Con đường nghệ thuật tạo điều kiện cho tôi biết yêu thương vị tha, biết cảm thông, trân trọng, biết chấp nhận và tận hưởng niềm vui, đem hạnh phúc đến cho cuộc đời. Còn mất ư? Biết nói thế nào đây? Có quá nhiều điều khó nói vì có con đường nào bằng phẳng. Gian nan mà mình vượt qua được thì không thể gọi là mất mát.
- Là người dành nhiều tâm huyết cho dòng tân nhạc, chị nghĩ thế nào về sự lựa chọn của mình?
- Tôi chưa khi nào phải băn khoăn vì sự lựa chọn này. Điều đó được chứng minh bằng tình cảm của công chúng, bằng những gì tôi có với sức lao động sáng tạo không ngừng. Những ca khúc của Văn Cao, Dương Thiệu Tước... đã cho tôi có được vị trí và sự trân trọng trong lòng người yêu nhạc.
- Đêm nhạc "Hội Trùng Dương" của chị từng gây cơn sốt vé mấy năm trước. Chị sẽ làm thế nào để những đêm tiếp theo vẫn có được không khí ấy?
- Tôi không hề có ý nghĩ tạo một cơn sốt hay điều gì đó tương tự, mà cho rằng đó là sự khát khao, chờ đợi quá lâu của một dòng nhạc. Việc xảy ra cơn sốt vé chứng tỏ công chúng đang thiếu tố chất nghệ thuật đích thức của tân nhạc, mà dường như những người làm nghệ thuật lại thiếu hiểu biết về sự mong muốn của công chúng.
- Phòng trà ATB của chị nhiều phen khiến chị lao đao, điều gì khiến chị quyết định đầu tư sức lực và tiền bạc cho "trách nhiệm" ấy?
- Tình yêu âm nhạc, tình nghệ sĩ, tình người và tình đời, tình công chúng khiến tôi đam mê, làm việc bằng cái tâm và sự nhiệt tình.
- Sau Ánh Tuyết, nhiều ca sĩ trẻ đi theo con đường của chị, nhưng họ thường chịu nhiều thiệt thòi về kinh tế. Là người đi trước, chị nói gì về điều này?
- Tôi cũng từng như họ. Nhưng với tôi chuyện cát-xê không chi phối nhiều đến những buổi diễn. Nói vậy không phải tôi chê tiền, nhưng có những thứ tiền không thể mua được. Ca sĩ trẻ bây giờ thường thiếu bình tĩnh. Họ muốn nhiều quá mà không biết chờ đợi, nên đã đặt mình không đúng với vị trí mình sẽ có.
- Chị đánh giá thế nào về số phận dòng tân nhạc hiện nay?
- Chúng ta vẫn nghe, lớp trẻ vẫn hát, băng đĩa vẫn bán đầy, các quán cà phê vẫn mở chứ đâu có quay lưng. Tại chúng ta nhầm lẫn, áp đặt ý nghĩ, lâu rồi thành ngộ nhận rằng nó đã lụi tàn mà thôi. Buồn cười hơn là khi ca sĩ trẻ hát những ca khúc đó, khán giả lại gọi là nhạc trẻ.
- Trong chương trình kỷ niệm 30 năm ca hát sắp tới, khán giả yêu nhạc có thể chờ đợi gì ở giọng ca Ánh Tuyết sau nhiều thăng trầm?
- Tôi luôn tin công chúng không thất vọng về những gì tôi đã làm. Tôi vẫn là Ánh Tuyết xưa nay trong lòng khán giả. Có khác chỉ là lối thể hiện, cách dàn dựng chương trình, hoà âm phối khí mà thôi. Thật lòng mà nói, giọng hát của tôi có kém đi so với 20 năm trước. Nhưng bù lại, giọng của tôi bây giờ điêu luyện hơn, kinh nghiệm hơn và đời hơn.
- Còn số phận và tương lai của ATB thì sao?
- ATB vẫn tiếp tục hoạt động vì khán giả yêu mến ngày một nhiều hơn. Đương nhiên, tôi sẽ phải mệt hơn vì lo toan cho mấy con người đủ sống. Vì mình còn yêu nghề, yêu cuộc đời này nên mệt mấy cũng phải cố gắng vượt qua, đến khi nào kiệt sức mới thôi.
(Theo Netnam)