- Chị nghĩ gì về chặng đường gắn bó với sân khấu ca nhạc dài bằng nửa đời người của mình?
- Người ta đi hát thì có "bầu bì", có kẻ lo người lắng, còn tôi thì lúc nào cũng đơn thân độc mã nên trong mọi công việc, sinh hoạt buộc phải đơn giản. Nghĩ sao mình không cầu kỳ, không đòi hỏi nhiều, không chơi bời, vui thú... như mọi người mà đời sống nhiều lo toan quá. Ngẫm lại thì chỉ tại cái tính cầu toàn, đa đoan. Lúc nào tôi cũng đòi hỏi bản thân và luôn yêu cầu người khác nghiêm túc trong công việc, chân thành trong cuộc sống, thấy việc gì cũng muốn làm, thấy nỗi đau nào cũng muốn gánh vác...
Ca sĩ Ánh Tuyết. |
Công việc đã đẩy tôi đi, làm thay đổi tôi lúc nào cũng không hay. Lúc quay lại thì thấy mình là một người đàn bà và cũng là một người đàn ông. Cũng có những lúc chợt thấy hối hận, nghĩ phải chi mình không biết gì để được người khác chăm sóc, lo lắng, tựa bóng tùng quân như những người phụ nữ thời xưa... Trời! Tỉnh lại với thực tại thì thấy không giống mình chút nào, thôi thì hài lòng với những gì đang có. Bù lại những vất vả thì mình được thấy những người chung quanh hài lòng, dù ít dù nhiều cũng là một niềm an ủi đối với mình.
- Tính cách đa đoan làm chị vất vả, có bao giờ gây cho chị những phiền muộn trong cuộc sống?
- Vì lo xa, nhiệt tình và hay quan trọng quá vấn đề nên Ánh Tuyết cũng đã... vô tình làm cho mọi người hiểu lầm. Thời học ở trường âm nhạc Huế hay còn ở đoàn Hải Đăng, tôi không có nhiều bạn thân. Cũng chỉ bởi cái tính nhiệt tình, đa đoan mà gần như trở thành kẻ bị cô lập. Nhưng khi tôi đi rồi thì mọi người cũng ngộ ra rằng tôi đã giúp họ. Tôi thấy cứ sống thật với chính mình là hiệu quả nhất.
- Chị rút ra bài học gì từ những mất mát trong cuộc sống của mình?
- Lúc đạt được một điều gì đó thì tôi biết một chuyện không may đang chờ mình, nhưng tôi cũng có linh cảm rằng sự mất mát nào cuối cùng rồi sẽ được đền bù. Còn sự đền bù đó xứng đáng hay không là do mình cảm nhận. Với tôi, cuộc đời không có sự hoàn thiện, vì vậy hài lòng với những gì mình có là tốt nhất. Tất cả những gì mà trước đây tôi nghĩ là mất mát, đau khổ thì bây giờ tôi lại cảm thấy nó là những bài học bổ ích cho cuộc đời, hun đúc cho tôi một ý chí mạnh mẽ và giúp tôi hiểu con người, cuộc sống, xã hội, tình người một cách sâu sắc hơn.
Tôi đã có được tình cảm của bạn bè, của khán giả và chính vì điều đó mà tôi không muốn làm cho mọi người thất vọng. Bây giờ tôi lại muốn làm cho mọi người vui hơn là tạo niềm vui cho chính mình.
- Ánh Tuyết cười nhiều hơn buồn trước mọi người có phải là vì lý do như vậy?
- Không có ai hạnh phúc suôn sẻ từ đầu đến cuối. Bức xúc trong lòng ai cũng muốn sẻ chia nhưng bắt người khác phải buồn với mình thì không hay chút nào. Mỗi con người luôn có một khoảng trống rất riêng, khi vơi khi đầy, làm công việc chứa đựng niềm vui nỗi buồn của mỗi người và có lẽ chỉ nên riêng mình biết. Quan điểm của tôi là không muốn ai buồn. Thấy mình cười người ta vui, rồi thấy người ta vui mình vui theo, cuộc đời vậy có nhẹ nhàng hơn không.
- Nhìn vào thị trường ca nhạc TP HCM hiện nay, chị có hài lòng về những nỗ lực khôi phục dòng nhạc tiền chiến của mình?
- Trời cho mình cái tài thì cũng bắt mình có một nhiệm vụ nào đó. Tôi vui trong lòng vì mình là người đã góp sức được cho một dòng nhạc, một phong cách tưởng chừng như đã bỏ quên giữa thị trường ca nhạc sôi động. Nhưng rồi vì tính cách không quen với những gì "ồn ào", cuối cùng tôi cũng chỉ là một người "khơi mào".
Không biết khán giả hiểu như thế nào mà cùng một ca khúc, ca sĩ trẻ hát thì được coi là nhạc trẻ, còn ca sĩ già hát thì bị cho là nhạc già. Nếu những bạn trẻ ngày nay được nghe hết tất cả những bài hát xưa thì tôi dám chắc họ sẽ không bao giờ có khái niệm "nhạc già". Qua chương trình Hội Trùng Dương diễn ra thành công tại Hà Nội, có một nhà báo trẻ hỏi tôi rằng: "Chị nghĩ thế khi đưa những ca sĩ trẻ hát dòng nhạc già?". Thật lòng lúc đó tôi chưa biết phải trả lời thế nào, cuối cùng tôi cũng nghĩ ra một cách trả lời vừa vui vừa ý nghĩa rằng, vì những tác phẩm sống lâu nên được gọi là già, còn những bài hát mới ra đời mà bị quên mau nên gọi là nhạc trẻ. Có lẽ vậy chăng?
- Sau 36 năm đi hát, có bao giờ chị đã thử xác định mình đang ở vị trí nào trong lòng của những khán giả Việt Nam đương đại chưa?
- Đạt được vị trí nào đối với tôi không quan trọng. Quan trọng nhất là mình đã làm gì, và đã có những gì trong lòng công chúng, người thân, bạn bè... và xã hội nói chung. Tôi nghĩ cứ làm cho tốt công việc của mình cái đã, còn sự quý mến mình hay không là thuộc về người khác.
- Còn điều gì mà chị tiếc đến giờ vẫn chưa làm được?
- Tôi hối hận vì sao mình không học nhiều hơn. Cuộc sống thời trẻ của tôi không may mắn, nên những khao khát, mơ ước không đạt như ý muốn của mình. Bây giờ ngồi thấy tiếc nhưng chẳng biết làm gì. Thôi thì đành phải mượn câu "Trời cho sao hưởng vậy" để tự xóa đi những mặc cảm của mình. Đành vậy, chứ biết nhiều quá không biết mình sẽ là ai (cười).
Đỗ Duy thực hiện