Ca sĩ Ánh Tuyết. |
- Lý do nào khiến chị không còn nhiều nhiệt huyết như trước nữa?
- Tôi buồn vì dòng nhạc tiền chiến mà mình theo đuổi suốt bao năm cho đến giờ vẫn không được quan tâm và không được khuyến khích để phát triển và gìn giữ. Tôi đang đau đầu vì sắp tới, ban nhạc ATB không biết diễn ở đâu vì rạp Long Phụng, nơi chúng tôi đóng đô, Sở VHTT TP HCM không cho thuê nữa. Chúng tôi không cần được đầu tư, tài trợ mà chỉ cần có một chỗ diễn ổn định và lâu dài. Thời gian này, tôi luôn căng thẳng suy nghĩ lo cho anh em trong ban nhạc, họ đã theo mình thì mình phải có trách nhiệm, không thể đẩy mọi người vào chỗ khó được.
- Bệnh tật cùng với lo nghĩ nhiều chuyện có hưởng nhiều tới giọng hát của chị?
- Khi nào thấy giọng của mình không ổn là tôi không hát. Tôi luôn muốn khán giả lúc nào cũng nghe Ánh Tuyết hát với tinh thần tràn đầy sức sống.
- Chị nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng Ánh Tuyết kiếm bộn tiền nhờ hát nhạc Văn Cao?
- Tôi rất biết ơn nhạc sĩ Văn Cao bởi nhờ ông mà tôi được khán giả biết đến. Thời gian qua tôi đã tổ chức nhiều đêm nhạc Văn Cao, có lẽ vì vậy mà nhiều người cho rằng tôi kiếm được nhiều tiền. Nếu làm một đêm nhạc bình thường, không đầu tư thì có lẽ sẽ kiếm bộn tiền thật, nhưng tôi không thể làm như vậy, điều đó đồng nghĩa với việc thù lao của chúng tôi chỉ khiêm tốn mà thôi. Tuy vậy, mỗi lần diễn, tôi đều gửi một chút tiền thù lao đến gia đình nhạc sĩ Văn Cao, số tiền đó không nhiều nhưng là tình cảm của tôi đành cho ông. Hiện tại thì tôi không còn đủ kinh phí để tổ chức các đêm nhạc riêng của ATB nữa.
- Sau nhiều năm hoạt động âm nhạc, chị đã có trải nghiệm gì cho sự nghiệp của mình?
- Tôi có một phong cách riêng không lẫn với một ca sĩ nào khác. Tuy vậy, điều tôi tự hào nhất là sau bao năm đứng trên sân khấu, tôi được khán giả nhắc đến một cách trân trọng không chỉ ở giọng hát mà là một ca sĩ có tư cách đạo đức tốt. Trên sân khấu, ca sĩ nào cũng có thể được khen là hát hay, hát hết mình nhưng không phải ai cũng được trân trọng về mặt đạo đức. Còn bây giờ, tôi làm nghệ thuật không phải để nổi tiếng mà chỉ để truyền lại cho lớp trẻ, để họ hiểu được âm nhạc Việt Nam như thế nào qua dòng nhạc tiền chiến mà mình theo đuổi.
- Chị từng nói mình là người hay hoài niệm, vậy chị thường hoài niệm về chuyện gì?
- Tôi luôn nhớ về những ngày gian khổ trước đây kể cả chuyện buồn để ngẫm nghĩ lại rồi hướng tới tương lai tươi sáng hơn. Có những buổi, tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê trong quán nhỏ và cứ tưởng tượng ra nếu mình còn khổ như ngày xưa thì bây giờ sẽ thế nào, những lúc đó tôi thấy cà phê ngon lạ thường.
- Cái tên Ánh Tuyết của chị ra đời từ khi nào?
- Tên thật của tôi là Trần Thị Tiếc, lúc làm giấy tờ bị ghi sai thành Trần Thị Tiết. Năm 17 tuổi, tôi ra biểu diễn ở Đà Nẵng, sau đó về ăn Tết ở Hội An, trong một buổi diễn ở sân đình, nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ đã giới thiệu: "Sau đây tôi xin giới thiệu một ca sĩ nhí ngày trước bây giờ đã trở thành Ánh Tuyết..." Vậy là cái tên Ánh Tuyết ra đời năm 1978. Sau đó, tôi lận đận mãi trên con đường âm nhạc, mặc dù đã đoạt nhiều giải thưởng mà không sao bứt lên. Không sống nổi bằng nghề, nhiều lúc tôi định bỏ ngang, nhưng rồi có một người bạn của tôi bảo rằng: "Chắc mày chưa cúng tên nên trời Phật chưa phù hộ". Năm 1993, trong một lần về quê, tôi vào thẳng nhà nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ mua một chút hoa quả và cúng tên ngay tại nhà ông. Và rồi, một sự vô hình nào đó, tôi gặp nhạc sĩ Văn Cao, hát nhạc của ông và được công chúng biết đến, đúng là "có thờ có thiêng, có kiêng có lành".
Hải Anh thực hiện