Đây là những thông tin được đề cập trong tài liệu chưa từng công bố trước đây, RT đưa tin. Theo kế hoạch vào những năm 1930, bảo tàng sẽ trao phần thưởng cho thợ săn nào có thể bắn được Quái vật hồ Loch Ness (hay Nessie).
"Nếu bạn từng đến khu vực xuất hiện 'quái vật', tôi hy vọng bạn sẽ không ngần ngại bắn nó ngay lập tức, gửi xác cho chúng tôi trong điều kiện bảo quản lạnh. Một phần cơ thể như chân chèo, hàm hay một chiếc răng đều được hoan nghênh", bức thư từ một nhân viên của NMH có đoạn.
Đến năm 1934, NHM của London và Bảo tàng Hoàng gia Scotland (RSM) tại Edinburgh đều muốn có Nessie dù chết hoặc sống. RSM cho rằng quái vật hồ Loch Ness thuộc về Scotland. Theo nội dung trong thư, bảo tàng Scotland yêu cầu rằng họ có quyền thu hồi 'quái vật', nếu như có được xác.
Kế hoạch này được tác giả David Clarke tiết lộ trong cuốn sách mới đây của ông, với chủ đề về những câu chuyện bí ẩn và truyền thuyết của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (UK).
"Nhiều người có tầm ảnh hưởng như nghị sĩ quốc hội và các nhà tự nhiên học nổi tiếng đều tin vào sự tồn tại của Nessie. Áp lực không nhỏ được đặt về phía Scotland, khi phải đưa ra biện pháp bảo vệ đặc biệt", Clarke nói.
Theo ông, trong những năm 1930, quái vật hồ Loch Ness trở thành một biểu tượng quan trọng của Scotland. Họ luôn muốn cảnh sát có thể bảo vệ sinh vật bí ẩn này trước nguy cơ bị thợ săn tấn công, đồng thời thể hiện sự phẫn nộ nếu xác chúng được trưng bày ở London.
Quái vật hồ Loch Ness hay Nessie là một nhóm động vật hoặc sinh vật chưa được xác định, nhưng được cho là từng xuất hiện nhiều lần một cách bí ẩn và khơi gợi sự tò mò của thế giới.
Linh Anh