Tình trạng bất ổn liên quan đến thông tin giả xoay quanh vụ ba bé gái bị đâm chết ở Southport hồi tuần trước đã lan đến hàng loạt thành phố, thị trấn của Anh trong ngày 3/8, dẫn đến hàng loạt cuộc đụng độ giữa người biểu tình phản đối nhập cư với cảnh sát.
"Chúng tôi từng trải qua nhiều cuộc bạo loạn và đụng độ như vậy, nhưng thường chỉ giới hạn ở một số khu vực nhất định. Giờ đây tình trạng đang lan tràn khắp nhiều thành phố chủ chốt và thị trấn lớn", Tiffany Lynch, phó chủ tịch Liên đoàn Cảnh sát Anh và xứ Wales, cho biết.
Đây là đợt bạo loạn tồi tệ nhất tại Anh kể từ mùa hè năm 2011, thời điểm bạo lực bùng phát sau vụ Mark Duggan, 29 tuổi, bị cảnh sát bắn chết ở vùng ngoại ô Tottenham, phía bắc London.
Tại một số nơi, những người bạo loạn đã ném gạch, chai lọ và pháo sáng về phía cảnh sát, khiến nhiều sĩ quan bị thương, đồng thời phóng hỏa và cướp phá nhiều cửa hàng. Người biểu tình cũng hô các khẩu hiệu bài Hồi giáo khi đụng độ với nhóm người phản đối biểu tình.
Khoảng 90 người đã bị bắt sau những cuộc đụng độ tại các cuộc tuần hành do phe cực hữu tổ chức ở Liverpool, Manchester, Bristol, Blackpool và Hull, cũng như thủ phủ Belfast ở Bắc Ireland. Chính phủ Anh tuyên bố cảnh sát đã "huy động mọi nguồn lực sẵn có" để đối phó với làn sóng bất ổn, giữa lúc giới chức cảnh báo tình trạng bạo loạn có thể tiếp tục lan rộng trong ngày 4/8.
Lực lượng an ninh phải huy động thêm sĩ quan phụ trợ, trong khi Bộ trưởng Tư pháp Anh Shabana Mahmood cam kết "toàn bộ hệ thống tư pháp sẵn sàng kết tội các nghi phạm nhanh nhất có thể".
Quốc vụ khanh phụ trách cảnh sát, cứu hỏa và phòng chống tội phạm Anh Diana Johnson cảnh báo "sẽ không tha thứ cho hành động bạo loạn" và cam kết trừng phạt những người gây bất ổn. Bà cũng tuyên bố chính phủ Anh sẽ "làm mọi thứ cần thiết" để buộc những người gây rối phải chịu trách nhiệm, bao gồm cả tổ chức xử án xuyên đêm như đợt bạo loạn năm 2011.
Biểu tình bùng phát ở nhiều thành phố của Anh sau khi nghi phạm Axel Rudakubana, 17 tuổi, bị bắt hôm 29/7 với cáo buộc đâm dao tại một trường dạy múa ở Southport, vùng Merseyside, nơi tổ chức lớp yoga và nhảy múa chủ đề Taylor Swift dành cho trẻ em 6-11 tuổi. Vụ tấn công khiến ba bé gái thiệt mạng, 5 trẻ và hai người lớn bị thương nghiêm trọng.
Nghi phạm đối mặt với ba cáo buộc giết người, 10 cáo buộc mưu sát và một cáo buộc dùng dao gây thương tích. Cảnh sát chưa rõ động cơ vụ tấn công và không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về nghi phạm, ngoài thông tin người này sinh ra ở Wales và sống trong ngôi làng gần thành phố.
Tuy nhiên, thông tin lan truyền trên mạng xã hội Anh cho rằng nghi phạm là người nhập cư không giấy tờ, làm dấy lên làn sóng bài nhập cư và phản đối Hồi giáo. Các nhóm cực hữu cũng kích động người dân, gây bạo lực tại các cuộc tuần hành.
Trợ lý cảnh sát trưởng Alex Goss cho hay một số cá nhân đang lợi dụng các giả thuyết và suy đoán về nghi phạm để gây mất trật tự đường phố. Cảnh sát nhận định đám đông có liên quan tới Liên đoàn Phòng vệ Anh, nhóm cực hữu thường tổ chức biểu tình bạo lực chống đối Hồi giáo.
Gần 30 cuộc tuần hành đã được tổ chức trong ngày 3/8, nhưng không phải sự kiện nào cũng dẫn tới bạo lực. Một số người tham gia khẳng định họ có lý do chính đáng để biểu tình.
"Mọi người đã chán ngấy với việc bị bảo rằng họ phải cảm thấy xấu hổ nếu là người da trắng và thuộc tầng lớp lao động. Nhưng tôi tự hào là người da trắng thuộc tầng lớp lao động", Karina, 41 tuổi, nói với các phóng viên tại Nottingham.
Vũ Anh (Theo AFP)