"Tôi nghĩ nếu trường hợp này rơi vào tôi thì sẽ không có cơ hội miễn trừ nào cả", nhà báo của Guardian và ESPN, Simon Cambers dẫn lời cựu số một thế giới đôi nam Jamie Murray hôm 4/1. "Thật tốt cho Djokovic vì cậu ấy sẽ tới Australia tranh tài. Cuối cùng thì bạn cũng phải tin là cậu ấy có một lý do chính đáng nào đó để được miễn trừ".
Djokovic hôm 4/1 chia sẻ trên các trang cá nhân về việc được miễn trừ y tế để dự Australia Mở rộng. Tay vợt số một thế giới là một trong các ngôi sao bài vaccine Covid-19. Anh cho rằng yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine xâm phạm quyền tự do con người.
Sau khi Djokovic chia sẻ thông tin được Australia miễn trừ y tế, làn sóng phản đối anh xuất hiện trên Twitter và các mạng xã hội khác. Nhiều nhà báo thể thao Australia đã lên tiếng chỉ trích quyết định của hội đồng y tế và các quan chức Tennis Australia.
Cựu tay vợt số tám thế giới người Australia Mark Philippousis cho rằng Djokovic đã khiến thế giới thất vọng. Ông nói trong cuộc phỏng vấn với Code Sports hôm 4/1: "Tôi tôn trọng quan điểm không công khai tình trạng tiêm chủng của Novak. Nhưng hàng triệu người hâm mộ dõi theo quyết định của cậu ấy và tôi nghĩ họ đã phải đợi quá lâu. Sự im lặng trong thời gian dài của cậu ấy khiến rất nhiều người hoang mang, thất vọng".
Cựu HLV của Djokovic giai đoạn 2005-2006, Ricardo Piatti bày tỏ lo ngại về tình trạng tiêm chủng của tay vợt Serbia. Ông nói: "Tôi nghĩ Novak rất khó dự các Grand Slam còn lại nếu quyết không tiêm vaccine. Các nước châu Âu sẽ thắt chặt quy định. Áo từ năm ngoái đã cấm các tay vợt không tiêm phòng nhập cảnh. Anh không còn trong Liên minh châu Âu và họ có quy tắc riêng, Mỹ cũng vậy".
Vương quốc Anh hiện yêu cầu mọi người tiêm phòng đầy đủ để được nhập cảnh. Mỹ yêu cầu tương tự với công dân nước ngoài. Tháng trước, Pháp thông báo bắt buộc người chơi thể thao chuyên nghiệp từ các quốc gia khác phải tiêm vaccine. Nếu không tiêm, Djokovic có thể lỡ ba Grand Slam này, trong trường hợp không được miễn trừ y tế như tại Australia.
Vy Anh (theo Tennishead)