Người gửi: Nguyễn Đức Trung
Trước tiên tôi rất cảm ơn anh vì đã đóng góp những ý kiến tâm huyết cho nền giáo dục nước nhà. Phải nói rằng, anh lấy định nghĩa gốc của từ Giáo dục rất có ý nghĩa với tôi: Giáo dục là quá trình, cách thức làm bộc lộ ra những khả năng tiềm ẩn của người được giáo dục. Con người ta sinh ra vốn có cả tính thiện lẫn ác, nếu biết cách giáo dục thì con người sẽ bộc lộ thiện tính còn nếu không thì ngược lại.
Ngoài ra, tôi cũng rất đồng ý với anh là nước ta đang đại học hóa phổ thông, chương trình phổ thông quá nặng về kiến thức khoa học tự nhiên mà không chú ý dạy về cách học làm người và cách dạy cũng có phần tẻ nhạt.
Nhưng tôi cũng không thể đồng ý với những ý kiến: "Bỏ ở cấp Tiểu học 40%, cấp Trung học cơ sở 50% và cấp Trung học phổ thông 60-70% kiến thức về Văn, Toán, Lý, Hóa. Các môn còn lại cũng nên tinh giản tối đa để đưa về chỉ còn ở mức phổ thông mà thôi; Rút ngắn chương trình học từ 12 năm xuống còn 9 năm, chỉ còn hai bậc học, tiểu học (lớp 1 đến lớp 5) và trung học (lớp 6 đến lớp 9)".
Theo tôi, nên cắt giảm chương trình THPT nhưng không nhiều như anh đề nghị, cũng không nên rút chương trình xuống 9 năm.
Cũng phải nói rằng ngày trước, tôi cũng chỉ học lệch về khối A, nhưng hiện nay tôi thấy môn Lịch sử và Địa lý rất quan trọng cho cuộc sống sau này của các bạn học sinh. Những ý kiến về cách dạy 2 môn này tôi hoàn toàn ủng hộ bài viết của em Trần Thùy Dung (Sinh viên năm thứ ba, Đại học Wesleyan, Mỹ).
Môn Văn đối với tôi là một cực hình, những bây giờ tôi rất tiếc vì không chú ý học môn này. Và hiện tôi gặp rất nhiều khó khăn khi trình bày vấn đề, diễn tả cảm xúc của bản thân (tuy nhiên không phải ai học giỏi Văn cũng giỏi các kỹ năng này).
Tôi cũng không đồng ý với anh rằng, "Kiến thức học được trong 12 năm phổ thông, hầu như không giúp được gì cho các em trong cuộc sống hiện tại. Chẳng cơ quan, cửa hàng, nhà máy nào cần các kỹ năng giải Toán, Lý, Hóa hay bình văn, luận thơ mà các em có".
Mỗi nền văn hóa có đặc điểm riêng, không thể áp dụng máy móc nền giáo dục của Mỹ hay bất kỳ nước nào khác vào nền giáo dục của Việt Nam. Nếu các em có khả năng bình văn thơ hay thậm chí cả khả năng sáng tác nữa thì tại sao không? Miễn là các em yêu thích việc đó.
Còn về giáo dục đại học, tôi nghĩ chúng ta không thể nào có được một trường đại học đẳng cấp quốc tế khi chưa có một nền công nghiệp đủ mạnh. Giả sử, nếu có đại học đó được thành lập thì các kỹ sư ra trường cũng không thể làm việc được trong các nhà máy của ta hiện nay.
Mong các bạn gắng sức đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam.