
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Reuters.
Thượng viện Anh ngày 13/3 thông qua dự luật trao quyền cho Thủ tướng Theresa May để bà có thể kích hoạt Điều 50, Hiệp ước Lisbon, vào bất cứ lúc nào, bắt đầu quá trình đàm phán kéo dài hai năm về việc London rời Liên minh châu Âu (EU). Nữ hoàng sẽ ký duyệt để dự luật trở thành luật trong hôm nay, AFP đưa tin.
Người phát ngôn cho Thủ tướng May loại trừ khả năng bà gửi thư thông báo tới Hội đồng châu Âu vào ngày 14/3. "Chúng ta đều biết rõ thủ tướng sẽ kích hoạt Điều 50 vào cuối tháng 3", ông nói trước khi Thượng viện bỏ phiếu, nhấn mạnh vào từ "cuối".
Một khi bà May gửi thư thông báo cho Hội đồng châu Âu, EU chỉ cần 48 giờ để đưa ra dự thảo đề xuất đầu tiên cho quá trình đàm phán, sau đó là một cuộc họp dự kiến vào ngày 6/4. Vòng đàm phán thực sự sẽ không diễn ra ngay trong vài tháng tiếp theo.
Chính quyền Scotland, với dự đoán việc Anh rời EU, tức Brexit, sớm bắt đầu, hôm qua kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai về việc tách khỏi Vương quốc Anh.
Đảng Dân tộc Scotland (SNP) cảnh báo Brexit sẽ gây thiệt hại đến việc làm và tăng trưởng. Bà Nicola Sturgeon, thủ lĩnh SNP, Thủ hiến Scotland, nói Scotland muốn tìm một tương lai khác.
Bà Sturgeon cam kết sẽ cho Scotland "một lựa chọn" vào đầu năm 2019, trước khi Anh rời EU. Thủ tướng Anh May tuyên bố bà sẽ đấu tranh để giữ Anh là một khối, bao gồm cả Scotland, trong đàm phán Brexit. London cảnh báo một cuộc trưng cầu nữa sẽ gây chia rẽ, tạo ra bất ổn kinh tế lớn. Scotland tổ chức trưng cầu dân ý độc lập lần đầu vào tháng 9/2014 với tỷ lệ 55% phản đối.
Ủy ban châu Âu nhanh chóng có phản ứng về đề nghị của Scotland. Cơ quan này cho rằng Scotland phải xin gia nhập lại EU thay vì thừa hưởng tư cách thành viên từ Anh.
Như Tâm