- Má ơi, Tết nay má về chơi nhé.
- Tao muốn về lắm nhưng chân tao yếu quá. Tụi nó thì đi làm suốt, có đứa nào về cùng được đâu.
Anh sinh ra ở Sài Gòn nhưng lớn lên trên đất Mỹ. Ba anh bỏ theo người khác, nhà anh nghèo lắm. Cảnh đời túng quẫn, đất Sài Gòn sống một mình đã khó huống chi má anh tay xách nách mang ba đứa con nhỏ. Má anh làm liều, ôm ba đứa con cùng qua đất Mỹ với hy vọng cho con mình chút gì đó tươi sáng hơn. Không biết tiếng Anh, bà chỉ loay hoay rửa chén cho nhà hàng, sắp xếp đồ cho siêu thị, đẩy xe bán bánh thuê và chăm lo cho người già… Má anh làm ngày hơn 18 tiếng chỉ mong con bà biết cái chữ để sống tốt hơn.
![ma-anh-chup-bang-dien-thoai-ro-2153-4758](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/07/ma-anh-chup-bang-dien-thoai-ro-2153-4758-1423283311.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uVxxYtcYKCbTeLXhGOk_wA)
Má anh thành công. Cô chị lớn trở thành y tá tại một bệnh viện nổi tiếng của Mỹ, kết hôn với một anh cảnh sát Mỹ người Việt, cậu con trai đầu cũng đã chập chững biết đi. Cô em út còn năm nữa là tốt nghiệp đại học. Nhưng hạnh phúc thì không bao giờ hoàn hảo, cuộc sống sẽ không bao giờ tròn, với má anh cũng thế, đến cuối đời vẫn nơm nớp lo cho anh. Anh là con giữa và là con trai duy nhất, nhưng anh lại làm má buồn. Anh không chịu học, anh cứ theo đám bạn phá phách nhậu nhẹt và má anh là người phải gánh chịu mọi hậu quả anh gây ra. Nhưng cuộc sống của anh, má anh không đủ sức để che chở tất cả…và anh bị trục xuất về Việt Nam. Má đã mất rất nhiều tiền để chạy lo cho anh nhưng cũng không thể níu giữ anh bên má nữa.
Ngày Tết tại đất Mỹ, má mong anh dậy sớm ăn chung bữa cơm sum vầy. Anh nói lúc nào ăn cơm chẳng được. Anh không cần biết và cũng không quan tâm nên anh không ăn…
Ngày Tết tại đất Mỹ, má muốn anh ở nhà để có cuộc họp mặt đoàn viên gia đình. Anh nói anh bận và anh không ở nhà…
Vậy dù là người Việt Nam, nhưng anh chưa bao giờ biết Tết Việt Nam. Anh chỉ nghe loáng thoáng má anh nói, nhưng mọi thứ chẳng là gì với anh. Anh không quan tâm, không có Tết này lại có Tết sau, vội vàng gì với Tết đoàn viên nhảm nhí.
Anh về đây, không má không gia đình. Anh về đây, bắt đầu với cuộc sống lao động nặng nhọc, kiếm vài chục nghìn mỗi ngày. Giờ anh mới biết, má anh vất vả thế nào để lo cho anh. Anh về đây, mọi thứ như sụp đỗ, bước lại những bước đầu tiên. Giờ anh nhớ má.
![ma-anh-ngay-con-khoe-1423023440.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/06/ma-anh-ngay-con-khoe-1423023440.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oLvHqNCwmE3VtzNpDARoFg)
Hai năm rồi sống trên đất mẹ, ngày Tết ùa về với anh nhưng cảm giác khác xưa. Anh không còn là đứa con trai nông nổi ngày nào, anh chính chắn hơn. Từ công việc vài chục nghìn mỗi ngày, giờ anh đã bước lên quản lý cả một công ty lớn và mức lương vài chục triệu mỗi tháng. Anh nỗ lực không ngừng, nhiều người nói anh nỗ lực để cưới vợ, nhưng em biết, anh nỗ lực vì má anh.
- Má ơi, Tết nay má về chơi nhé.
- Tao muốn về lắm nhưng chân tao yếu quá. Tụi nó thì đi làm suốt, có đứa nào về cùng được đâu.
Anh không nói gì, im lặng rất lâu. Em quay đi giả vờ chẳng nhìn thấy giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt anh.
![tet-doan-vien-1423023440.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/06/tet-doan-vien-1423023440.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=M9CM74CYR1_GmFLZTmikEA)
Tết lại về, người con trai nông nổi ngày nào giờ thèm có má bên cạnh. Tết lại về, người con trai không biết Tết là gì, giờ lại muốn ngồi chung bàn với má, với chị, với em để ăn gì đó cũng được, miễn là ăn ngày Tết sum vầy. Tết lại về, người con trai đứng đó, đầu nghiêng nghiêng dựa vào góc tường, chợt nghẹn ngào “Anh thèm Tết đoàn viên”.
Nguyễn Thị Trung Trinh
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây. Gửi bài dự thi tại đây. |