Theo Siana Griffiths, giáo sư danh dự tại Đại học Hong Kong, viễn cảnh này đòi hỏi sự cân bằng giữa việc trở lại cuộc sống không còn tập trung vào virus và nỗ lực đối phó với chúng.
"Tôi không nghĩ chúng ta sẽ sống với các quy định hạn chế. Ta sẽ cẩn thận hơn, hiểu khoa học và quy trình hơn, cũng như rút ra được các bài học đau thương từ đại dịch", bà Griffiths nhận xét.
Giáo sư Dame Anne Johnson, chủ tịch Học viện Khoa học Y tế, cho biết: "Sẽ vẫn có nhiều người chết do Covid-19 và các đợt lây nhiễm vào mùa đông là mối đe dọa đặc biệt. Học cách sống chung với virus đồng nghĩa ta phải giảm thiểu các ca tử vong nhờ tiêm chủng".
Ngoài ra, những biện pháp an toàn được áp dụng trong đại dịch có thể vẫn tiếp diễn sau khi các hạn chế được dỡ bỏ, theo bà Johnson.
Thực hành vệ sinh sạch sẽ, làm việc từ xa, đeo khẩu trang, đảm bảo không gian thông thoáng, không đi làm hoặc đến nơi đông người khi có triệu chứng, đi xe cá nhân thay vì đi phương tiện công cộng, tránh các chuyến bay không cần thiết - tất cả những điều này đều cần thiết trong thời hậu phong tỏa.
Tiêm chủng là biện pháp căn cơ để đưa cuộc sống trở lại gần như bình thường. George Davey Smith, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Bristol, cho biết người dân cần hiểu rằng vaccine có tác động lớn đến nguy cơ mắc bệnh nặng liên quan đến Covid-19.
Các nhóm có nguy cơ cao có thể tiêm nhắc lại theo mùa, nếu khả năng miễn dịch của họ suy yếu. Nhiễm trùng tự nhiên cũng sẽ góp phần vào khả năng miễn dịch của cộng đồng.
David Heymann, giáo sư dịch tễ học tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho rằng mọi người cần chịu trách nhiệm trước những rủi ro. "Các chính phủ phải sẵn sàng, chuyển công việc đánh giá và phản ứng trước rủi ro cho người dân, thay vì thực hiện thông qua người dân", theo ông Heymann.
"Chúng ta không thể chấp nhận số người tử vong vì Covid-19. Ta cần tự bảo vệ bản thân, cũng như không lây virus cho người khác. Điều này chưa thực hiện được vì các chính phủ vẫn giữ trọng trách chính", ông nói.
Theo Heymann, việc chuyển giao trách nhiệm cho người dân nên bắt đầu sớm hơn. "Ta có cơ hội để nhắn nhủ với mọi người trước Giáng sinh rằng nếu bạn có nguy cơ nhiễm virus, nên nhớ rằng bạn có thể lây cho người nhà. Vì vậy, bạn cần có biện pháp phòng ngừa thích hợp nếu đi thăm họ. Thông điệp đó rất quan trọng vì mọi người dân phải có trách nhiệm", ông nhận xét.
Bà Griffiths hy vọng Covid-19 có thể được kiểm soát ở mức độ như bệnh cúm. Bệnh cúm khiến nhiều người chết ở Anh, nhưng các ca tử vong được giảm thiểu nhờ tiêm chủng cho những người dễ tổn thương nhất. Mạng lưới giám sát dịch cúm toàn cầu cũng đưa ra thông tin quan trọng.
Một hệ thống giám sát tương tự rất cần thiết đối với Covid-19 và các mối đe dọa khác. Bà nói: "Giống như cách chúng ta phải sống với bệnh cúm trong mùa đông, ta sẽ sống chung với Covid-19".
Hôm 24/6, Singapore cũng đưa ra lộ trình sống chung với Covid-19, theo đó, nước này hạ thấp kỳ vọng có thể xóa sổ nCoV, ví nó sẽ tồn tại đặc hữu như bệnh cúm và nhấn mạnh việc tiêm phòng cũng như duy trì các biện pháp như xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng.
Mai Dung (Theo Guardian)