Xuất hiện tại sự kiện công bố 100.000 bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc ARV mới đây tại Hà Nội, chị Phạm Thị Hiền (35 tuổi, Bắc Ninh) khiến nhiều người ấn tượng bởi sự tự tin, khỏe khoắn với nụ cười duyên dáng dù đã sống chung với HIV 15 năm. Cả nhà chị từng bị hàng xóm xa lánh, gọi là “mả AIDS” vì có đến 6 người nhiễm HIV, 3 người đã ra đi.
Lấy chồng từ năm 2000, chị không hề biết anh từng dùng ma túy cách đó vài năm. Đến khi người anh chồng nhiễm HIV qua đời, hai vợ chồng mới đi xét nghiệm thì biết kết quả dương tính. Nỗi đau chạm đến tận cùng khi chị nhận kết quả xét nghiệm của cậu con trai đầu lòng cũng không thoát khỏi căn bệnh này.
Lúc đó cứ nghĩ thế là hết, vợ chồng chị lao vào cờ bạc, tiêu xài phung phí; cậu con trai bị tim bẩm sinh ngày một yếu. Đúng lúc ấy, những thành viên nhóm Vì ngày mai tươi sáng Hà Nội đã đến chia sẻ động viên giúp chị có thêm nghị lực. Con chị bắt đầu được dùng thuốc ARV miễn phí, sức khỏe ngày một khá lên đồng nghĩa niềm tin trong chị ngày một lớn hơn. Đến năm 2011, khi biết có thai, chị Hiền bắt đầu được điều trị bằng thuốc ARV, cũng nhờ đó chị sinh thêm được một bé trai không nhiễm HIV.
Chị Hiền chỉ là một số hơn 100.000 người nhiễm HIV đang được điều trị miễn phí bằng thuốc ARV tính đến tháng 9. Trường hợp đầu tiên nhiễm HIV tại Việt Nam là một phụ nữ ở TP HCM hiện vẫn còn sống.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, trong 15 năm qua, Việt Nam đã giảm được 150.000 ca tử vong do AIDS nhờ có thuốc ARV. Thuốc giúp bệnh nhân nâng cao sức khỏe, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm tử vong. Các nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra rằng điều trị ARV liên tục đầy đủ, một người nhiễm HIV có thể có tuổi thọ tương đương người bình thường.
Đặc biệt, việc điều trị bằng thuốc ARV giúp giảm lây nhiễm HIV. Một người bệnh được điều trị đầy đủ có thể giúp giảm đến 95% khả năng lây nhiễm HIV cho người khác. Qua đó, nó cũng giúp khống chế nguồn lây bệnh. Người được điều trị có khả năng lao động vì thế mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Trong các nghiên cứu quốc tế, ước tính nếu đầu tư 1 đôla cho ARV sẽ mang lại 7 đôla cho xã hội, tiến sĩ Long cho biết.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng những thành quả này chưa bền vững khi nguồn ngân sách cho các hoạt động phòng chống dịch chủ yếu từ nguồn tài trợ quốc tế. Lấy ví dụ với chi phí mua thuốc ARV, tại một số nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia 99% chi phí này là do ngân sách quốc gia đảm bảo. Việt Nam thì ngược lại; 95% thuốc ARV được mua bằng nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế. Đến tháng 11 chưa có tổ chức quốc tế nào cam kết tài trợ sau năm 2017 cho Việt Nam, nếu không có nguồn đảm bảo, việc điều trị của người nhiễm HIV/AIDS sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Bảo hiểm y tế được xác định là một giải pháp bền vững để duy trì việc điều trị ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có khoảng 30% có thẻ bảo hiểm y tế. Những người nhiễm HIV nếu mua bảo hiểm y tế theo dạng tự nguyện theo quy định mới bắt buộc phải mua theo hộ gia đình. Điều này khiến nhiều người gặp khó khăn vì đa số kinh tế không khá giả, công việc tạm thời, không ổn định.
Theo các chuyên gia quốc tế, nếu muốn hoàn thành mục tiêu chấm dứt dịch vào năm 2030 thì Việt Nam không thể chỉ lệ thuộc vào nguồn tài trợ từ bên ngoài. Việt Nam cần chủ động các nguồn lực trong nước để đảm bảo cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Nam Phương