*Xem lịch thi đấu vòng loại Euro 2016
Aldo đã 39 lần khoác áo đội tuyển San Marino. Trong thời gian đó, anh để thủng lưới 171 lần trong khi các đồng đội chỉ ghi được sáu bàn.
San Marino hiện xếp ở vị trí 208 trên bảng xếp hạng FIFA, thấp hơn 190 bậc so với đội tuyển Anh và là thứ hạng thấp nhất trên bản đồ bóng đá thế giới. Quốc gia nhỏ bé này có dân số chỉ khoảng 33.000 người - bằng một phần ba sức chứa của sân Wembley, nơi họ thi đấu với đội tuyển chủ nhà tối nay 9/10 ở vòng loại Euro 2016.
Trong 25 năm tham gia các trận đấu chính thức, San Marino chỉ giành được duy nhất một trận thắng. Trong sáu năm gần đây, họ chỉ ghi được một bàn. Tại vòng loại World Cup 2014, San Marino thua cả 10 trận, nhận 54 bàn thua.
“Rất nhiều lần tôi cảm thấy buồn. Không ai muốn là kẻ thua cuộc trong bóng đá, kể cả thua ít lẫn thua nhiều. Nhưng chúng tôi hiểu rõ rằng có những đối thủ cao quá tầm so với toàn đội”, Aldo Simoncini chia sẻ trên kênh BBC.
Liên tục bị sút thủng lưới, nhưng thủ môn 28 tuổi này luôn giữ được niềm đam mê bóng đá ở một chừng mực nào đó, như một khía cạnh trong tất cả những điều anh phải xoay xở trong cuộc sống.
Khi còn là một cầu thủ trẻ, Aldo Simoncini từng chơi cho Modena ở Serie B - một kỳ tích đối với các cầu thủ San Marino. Tuy nhiên, khi lên 19 tuổi Aldo gặp phải một tai nạn xe hơi khủng khiếp. Anh bị vỡ xương chậu và xương khuỷu tay. Nằm trong bệnh viện bốn tháng, Aldo kể lại: “Cuộc sống của tôi bị đe dọa. Tôi đã tự nhủ rằng có lẽ mình sẽ không bao giờ chơi bóng được nữa”.
May mắn thay, hai năm sau vụ tai nạn Aldo bình phục và có thể chơi bóng trở lại. Thủ thành này tái xuất trong trận đấu với Đức ở vòng loại Euro 2008, nơi San Marino để thua 0-13.
“Phải vào lưới nhặt bóng đến 13 lần nhưng đó là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời tôi. Bỏ lại sau lưng 18 tháng đau đớn, sau khi người ta nói với tôi rằng chơi bóng trở lại là điều không thể, tôi không thể quên được trận đấu đó”, Aldo nói.
Có thể xem HLV của San Marino Pierangelo Manzaroli là một trong những người đang làm công việc khó khăn nhất thế giới. Khi HLV lão làng Giampaolo Mazza nghỉ hưu sau 15 năm đảm nhiệm vị trí, Manzaroli tiếp nhận vị trí thuyền trưởng của một đội bóng liên tục để thua 0-8, 0-9…
“Ở một khía cạnh nào đó, huấn luyện một đội bóng lớn sẽ dễ hơn San Marino. Mục tiêu của chúng tôi đơn thuần là hạn chế các bàn thua. Không như các đội bóng khác, chúng tôi phải thực hiện rất nhiều công việc liên quan đến tâm lý”, Manzaroli nói.
Tiền đạo Andy Selva cũng đồng ý quan điểm này. Anh nói: "Chúng tôi hoạt động não 80% và 20% là chân". Selva năm nay đã 38 tuổi, là đội trưởng của đội tuyển San Marino. Tiền đạo này thi đấu từ năm 1998 và ghi được tám bàn - con số nghe có vẻ ít ỏi nhưng nếu so với tổng số bàn mà San Marino ghi được trong lịch sử là 17 thì nó quả thực vĩ đại.
“Tôi đã có cơ hội đối đầu với những hậu vệ xuất sắc, như Carles Puyol chẳng hạn. Anh ấy đơn giản là đến từ một hành tinh khác - quá tuyệt vời. Andrea Pirlo và Raul cũng là những anh chàng tốt và là những nhà vô địch thực sự. Họ dành cho chúng tôi những lời khen ngợi bất chấp khoảng cách mênh mông giữa hai đội bóng”, Selva nhớ lại.
Selva chính là người đã ghi dấu thời khắc lịch sử của San Marino vào năm 2004 khi ghi bàn từ một quả đá phạt giúp đội nhà thắng Liechtenstein với tỷ số 1-0. “Đó là một kỷ niệm đẹp. Tôi còn nhớ các đồng đội đã ôm lấy tôi. Một cảm giác mà tất cả chúng tôi đều cảm thấy. Đó là một cảm giác khi tạo nên dấu ấn lịch sử”, Selva tự hào kể lại.
Selva từng chơi bóng chuyên nghiệp cho một số đội bóng tại Serie A như Sassuolo và Verona. Cầu thủ này hiện đảm nhiệm vai trò HLV của một đội bóng trẻ. Anh tin rằng dù bóng đá San Marino đang có dấu hiệu phát triển nhưng cũng chịu không ít thách thức, trong đó có việc lắp ráp đội hình từ những cầu thủ nghiệp dư.
Trong đội, hậu vệ phải Mirko Palazzi là người duy nhất đang theo đuổi sự nghiệp cầu thủ khi khoác áo đội hạng tư Italy Rimini. Những người còn lại đều đang có một công việc khác. Tiền đạo Danilo Rinaldi làm ở một cửa hàng nội thất, tiền vệ Alex Gasperoni làm thợ sửa bóng đèn ở các trang trại, cầu thủ chạy cánh Matteo Coppini làm cho một công ty dầu ô liu…
“Chúng tôi cố gắng sắp xếp thời gian cho bóng đá. Để đảm bảo đủ thời gian chơi bóng giúp phát triển về thể chất và tinh thần, thách thức lớn nhất của toàn đội là sắp xếp thời gian”, Manzaroli nói.
Người hiểu điều này hơn ai hết có lẽ là Fabio Vitaioli. Cầu thủ 30 tuổi cùng cậu em trai Matteo - cũng là tuyển thủ San Marino từng kinh doanh quán bar nhưng vẫn phải có mặt để tập mỗi tối. Sau khi đóng cửa quán bar, Fabio mở cửa hàng quần áo. Anh cũng như nhiều người khác trong đội, làm việc từ sáng sớm đến bảy rưỡi tối trước khi ra sân chơi bóng.
Thủ môn dự bị Federico Valentini từng hớt hải chạy đến sân để chuẩn bị thi đấu với Thụy Điển khi anh đang làm việc ở ngân hàng, sau khi thủ thành chính thức Simoncini bị chấn thương. Trong khi đó, cựu HLV Mazza thường xuyên khiến các ngôi sao đối phương sửng sốt vì lời đề nghị xin áo. Mazza dạy ở một trường trung học địa phương và ông muốn lấy áo của các ngôi sao để tặng lũ trẻ.
Manzaroli ước tính việc chơi bóng chỉ giúp mỗi tuyển thủ của ông nhận khoảng 380 đôla mỗi tháng, bằng với số tiền mà Wayne Rooney nhận trong một phút ở Man Utd. “Ở Italy hay Anh, bóng đá là một nghề. Nhưng ở San Marino, đó là một sở thích, một niềm đam mê”, Manzaroli phát biểu.
Từng có nhiều ý kiến cho rằng San Marino nên bị loại khỏi các giải đấu chính thức vì họ quá yếu. Tuy nhiên, Manzaroli không đồng tình với quan điểm đó. “Với tôi, thể thao có nghĩa là trao cơ hội cho mọi người được thi đấu với đối thủ mạnh hơn”, ông nói.
Aldo Simoncini cho biết được thi đấu với đội tuyển Anh như trúng số độc đắc. “Được đứng cạnh những cầu thủ mình hay thấy trên truyền hình. Chơi bóng trước mặt 86.000 khán giả tại Wembley và đối đầu một đối thủ mạnh như Anh, đó là một ngày sẽ mãi mãi nằm trong trái tim tôi cho đến hết cuộc đời”.
Di Khánh