Julian Assange tại tòa án Belmarsh, London, hôm qua. Ảnh: AFP. |
Luật sư của Assange, công dân Australia 39 tuổi, cho biết họ sẽ làm đơn chống lại phán quyết của thẩm phán Howard Riddle.
Phát biểu sau phiên tòa tại tòa án Belmarsh, London, hôm qua, Assange chỉ trích hệ thống luật pháp châu Âu khiến ông bị bắt giam vào tháng 12, xung quanh những cáo buộc ông lạm dụng tình dục hai người phụ nữ ở Thụy Điển.
"Đó là kết quả của sự rối loạn trong hệ thống lệnh bắt giam của châu Âu. Chẳng hề có sự suy xét nào trong cả quá trình về những lý lẽ phải trái liên quan tới những cáo buộc chống lại tôi", AFP dẫn lời Assange nói với 100 phóng viên đến từ toàn cầu.
Assange nói tiếp: "Cũng chẳng có sự suy xét hay kiểm tra về những cáo buộc được đưa ra từ Thụy Điển và tất nhiên chúng tôi luôn biết rằng chúng tôi sẽ kháng án".
Anh có 7 ngày để kháng án và nếu thất bại, anh sẽ bị dẫn độ về Thụy Điển trong vòng 10 ngày sau đó. Đơn kháng án có thể đưa lên tòa án cấp cao hơn và cuối cùng là tòa án tối cao của Anh.
Assange đã làm rung động toàn thế giới vào năm ngoái khi tung ra hàng trăm nghìn điện tín ngoại giao bí mật của Mỹ.
Cựu hacker máy tính khẳng định các cáo buộc do hai người phụ nữ ở Thụy ĐIển đưa ra là hoàn toàn mang động cơ chính trị. Nhưng thẩm phán Anh bác bỏ các lý lẽ của Assange.
Ông cho phép Assange được toại ngoại với các điều kiện như trước, theo đó anh sẽ ở tại khu biệt thự của một người bạn ở miền đông nước Anh, phải đeo khóa điện tử ở chân và bị giám sát.
Claes Borgstrom, luật sư của hai người phụ nữ Thụy Điển, cho biết ông lấy làm tiếc khi Assange kháng án nhưng ông hy vọng vụ án sẽ kết thúc vào mùa hè.
Mẹ của Assange, bà Christine, thì cho rằng phán quyết của thẩm phán là "một kiểu cưỡng hiếp tập thể của luật pháp".
Nước Mỹ tuyên bố vụ việc chỉ là vấn đề của Anh và Thụy Điển. Trong khi Assange cho biết nỗi lo lớn nhất của anh là có thể bị dẫn độ về Mỹ và sẽ đối mặt với án tử hình hoặc gửi tới nhà tù Guantanamo.
Song Minh