Việc ba nước châu Âu ngày 14/1 kích hoạt "cơ chế tranh chấp" của Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) đồng nghĩa với việc họ cáo buộc Iran vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015.
Hành động này của Anh, Pháp, Đức có thể khiến Iran hứng thêm đòn trừng phạt từ Liên Hợp Quốc. Ba nước châu Âu cho biết họ đang hành động để tránh khủng hoảng phổ biến hạt nhân trong bối cảnh các cuộc đối đầu ở Trung Đông đang có nguy cơ leo thang.
"Chúng tôi không chấp nhận lập luận rằng Iran có quyền giảm dần cam kết với JCPOA. Chúng tôi không tham gia chiến dịch gây áp lực tối đa với Iran. Chúng tôi hy vọng đưa Iran trở lại tuân thủ nghiêm túc các cam kết trong JCPOA", Anh, Pháp và Đức ra tuyên bố chung hôm qua, thông báo về việc kích hoạt cơ chế tranh chấp.
Để kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp của JCPOA, ba nước đã thông báo cho Liên minh châu Âu (EU), cơ quan có vai trò bảo trợ cho thỏa thuận. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU Joseph Borrell cho biết mục đích của động thái này nhằm buộc Iran tuân thủ thỏa thuận, chứ không phải để áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Theo cơ chế giải quyết tranh chấp, EU sẽ thông báo cho các bên tham gia thỏa thuận, gồm Nga, Trung Quốc và Iran để giải quyết các bất đồng trong 15 ngày. Nếu thời hạn này không được gia hạn, các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Iran sẽ được tái áp đặt.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã lên án hành động của ba cường quốc châu Âu, cho rằng việc áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp là "sai lầm chiến lược" và không có "căn cứ pháp lý".
Nga, thành viên khác của JCPOA, cũng phản đối hành động của Anh, Pháp và Đức, cảnh báo việc kích hoạt cơ chế này có thể khiến thỏa thuận hạt nhân không thể tiếp tục.
JCPOA được Iran ký với 6 cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc vào năm 2015 sau 15 năm đàm phán ngoại giao. Theo thỏa thuận, Iran sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc giảm bớt lệnh trừng phạt quốc tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2018 tuyên bố rút khỏi thỏa thuận vì "không hiệu quả", đồng thời thực hiện chiến dịch gây áp lực tối đa với Iran bằng cách áp đặt nhiều lệnh trừng phạt với nước này, bất chấp sự phản đối của các nước còn lại trong thỏa thuận.
Kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA năm 2018, Iran liên tục phá vỡ cam kết trong thỏa thuận để đáp trả. Căng thẳng hai nước thêm trầm trọng sau khi Washington không kích hạ sát tướng Qassem Soleimani hôm 3/1, khiến Tehran trả đũa bằng đòn tập kích tên lửa nhằm vào căn cứ có lính Mỹ đồn trú ở Iraq.
Iran hôm 5/1 tuyên bố sẽ tiếp tục làm giàu uranium không giới hạn và dựa trên nhu cầu kỹ thuật của mình. Lãnh đạo Anh, Pháp, Đức ngay lập tức ra tuyên bố chung kêu gọi Iran tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân 2015 và kiềm chế bạo lực.
Iran cũng đang hứng chịu chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế sau khi thừa nhận bắn nhầm máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Ukraine, khiến 176 người thiệt mạng.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói vụ bắn nhầm là "sai lầm không thể tha thứ" trong khi tướng Amirali Hajizadeh, tư lệnh lực lượng không gian vũ trụ thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), khẳng định sẽ nhận toàn bộ trách nhiệm về sự việc.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)