Tốt nghiệp đại học xong tôi đi làm thuê ở một shop điện thoại với mức lương khá, mỗi tháng số tiền dư bằng gấp rưỡi lương cơ bản nhân cho hệ đại học. Anh sinh viên ngành Văn đi làm kỹ thuật phần mềm kiêm một chút phần cứng thì cũng chắc không có gì gọi là lạ nếu các bạn đã nhìn thấy thực trạng ngày nay về vấn đề việc làm và bằng cấp tương ứng với vị trí công việc.
Các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh có chỉ tiêu rất rõ ràng, đào tạo theo chương trình chính quy, nhưng không rõ các đơn vị sự nghiệp này có bao giờ đặt ra chỉ tiêu việc làm sau khi ra trường cho các sinh viên của mình? Kết quả thu được như thế nào? Như vậy, họ đào tạo với mục đích nâng cao tri thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho người học hay phải đào tạo để đạt chỉ tiêu? Họ có cân nhắc mục đích thực tế của người học chính là việc làm không?
Lúc còn là học sinh lớp 12, chỉ cần nhắc đến chữ sinh viên thôi là trong lòng biết bao là rạo rực, nhưng khi tốt nghiệp đại học xong rồi tôi mới thấy mình như một sinh viên "mù". Ngày ngồi dưới hội trường rùa sinh hoạt đầu năm nghe thầy phó trưởng khoa nói: "Các em được đào tạo ở trường... đã là một thương hiệu rồi". Ngẫm lại đúng là một thương hiệu theo nghĩa đen không đáng có của nó.
Nhà có 3 anh em, anh trai tôi tốt nghiệp đại học loại sắp đạt số điểm tuyệt đối, ra trường đi dạy ở trung tâm Anh ngữ, mỗi tháng kiếm được đủ tiền để nuôi đứa em gái út đang học ngành luật cùng trường. Con đường học vấn tưởng như trong mơ của anh em tôi hoá ra cũng chỉ có vậy, như một đoá hoa đẹp màu nhưng không có hương thơm.
Tôi bỏ công việc với mức lương khá để về nộp đơn xin đi dạy theo ước mơ và nguyện vọng của gia đình. Nộp xong hồ sơ, tôi mới hay có đến gần 200 người cố chen nhau cái vị trí ấy. Ngày xưa thi đại học 1 chọi 10, nhưng trong 10 học sinh ấy thì chưa chắc họ giỏi hơn mình, còn hiện tại 200 bạn kia toàn là những sinh viên tốt nghiệp loại ưu đến xuất sắc, trong số đó có một số người là thạc sĩ nữa. Tôi thấy cơ hội đã quá mong manh.
Tôi nghĩ, một ngành đã dư đến chừng ấy người vậy thì cả nước mình có bao nhiêu bạn phải lủi thủi ra về sau đợt phỏng vấn đây? Có là gì đâu nếu bạn tốt nghiệp số điểm 3.85 khi có bạn kia 3.86, bạn rất giỏi đấy nhưng chỉ tiêu cần tuyển một vị trí việc làm thôi. Tôi chưa có thông báo kết quả nhưng sớm thức thời biết được mình không giành được vị trí việc làm duy nhất đó. Cứ nghĩ thứ gì duy nhất sẽ vô cùng quý, nhưng thôi tôi cũng không còn muốn giành cái "quý báu" đó làm gì.
Ngày nay hai chữ sinh viên trong ý nghĩ của tôi trở nên phổ thông chứ không phải là cái gì cao quý nữa.
Cách đây chừng 20 năm, giáo viên rất ít, những ai đăng ký vào ngành sư phạm luôn luôn được miễn phí tiền học. Vậy nên hệ quả của ngày nay là thừa (nếu không muốn nói là quá thừa) những người muốn làm nghề cao quý nhất trong các nghề. Nhưng nghĩ thêm một bận nữa thì có vẻ như có một "chiêu trò" hay. Xưa thiếu, nay đã có một lực lượng hùng hậu rồi, với mức lương khá tốt so với mặt bằng chung. Các bạn thấy đấy, hệ quả đôi khi chỉ là từ nói giảm mà thôi...
Anh trai tôi sắp sang châu Âu để tiếp tục góp nhặt tri thức, tôi là anh nông dân nghèo biết dạy học, em gái tôi rồi sẽ làm ngành luật hay chỉ là cô gái làm SEO như những bạn cùng lớp tôi? Tương lai khó ai biết được? Tôi tuy không có tấm bằng ghi xếp loại tốt nghiệp lấp lánh, nhưng tôi tin mình đủ năng lực dạy cho học sinh tri thức và đạo đức một cách hiệu quả, có thể sẽ làm cho người dự giờ trong buổi thực tập của tôi cảm thấy ngao ngán khi cố tìm gì đó để nhận xét.
Giáo dục ta khi chưa cải cách, lấy người dạy làm trung tâm. Giáo dục ta nay xem đó là "không hợp" nên đổi lại lấy học sinh làm trung tâm. Vì bàn ghế, phấn, bản thì không thể làm trung tâm được rồi. Vậy liệu 10 năm hay 20 năm sau nữa, giáo dục ta lại cải cách với lý do "phù hợp thời buổi", rồi lấy cả người dạy và người học làm trung tâm không? Tôi thật sự không dám chắc.
Bạn tôi nhiều đứa đang học thạc sĩ, bọn nó nói không có việc làm nên học đại tính sau. Tôi lại trộm nghĩ lẽ nào đó là hệ quả của việc số lượng trình độ cao học nước ta càng tăng và tăng "biền ngẫu" với tỷ lệ thất nghiệp!
Tôi đã không đăng ký học tiếp thạc sĩ vì thạc sĩ đối với tôi cũng không còn hào nhoáng nữa. Nông dân! Ừ thì da sẽ đen hơn đó, đôi vai chắc sẽ thường mệt lả đó, nhưng giấc ngủ nào đảm bảo cũng rất say.
Trương Đăng Khoa