Ronaldo Schemidt, nhiếp ảnh gia của hãng AFP hôm 12/4 đã giành giải Ảnh Báo chí của Năm cho tấm hình chụp một người biểu tình đeo mặt nạ phòng độc, lưng bốc cháy trong cuộc đụng độ với cảnh sát chống vũ trang Venezuela ở thủ đô Caracas hôm 3/5/2017, theo Channel News Asia.
Khi đó, Schemidt đang phụ trách đưa tin về các cuộc biểu tình ở Venezuela cho AFP. Trong ảnh, Jose Víctor Salazar Balza, 28 tuổi, bắt lửa khi cùng những người biểu tình khác phá hủy một xe máy của cảnh sát khiến bình xăng phát nổ.
"Tôi cảm thấy sau lưng có tiếng nổ vang lên, hơi nóng ập tới. Khoảnh khắc đó, tôi quay người lại, nhanh tay bấm máy mà không hề nhìn thấy chuyện đang xảy ra", Schemidt nhớ lại.
Slazar chạy, ngọn lửa giống như một chiếc áo choàng đỏ rực bao phủ quanh người. Anh sống sót sau vụ tai nạn và bị bỏng độ hai.
"Đây là một ảnh báo chí điển hình, nắm bắt khoảnh khắc chuyển động và màu sắc rất tốt. Hình ảnh đầy sức mạnh, khiến tôi bùng nổ cảm xúc", Chủ tịch hội đồng giám khảo Magdalena Herrara nhận xét.
"Tấm hình mang tính biểu tượng. Người đàn ông trong ảnh đeo mặt nạ. Cậu ta không chỉ đại diện cho bản thân đang bị thiêu cháy, mà còn mang tới thông điệp Venezuela cũng đang bị thiêu cháy", Whitney C.Johnson, phó giám đốc ảnh của National Geographic đánh giá.
Venezuela đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử do giá dầu giảm mạnh. Lạm phát năm nay dự báo đạt 13.000%. Từ tháng 4 đến tháng 7 năm ngoái, đã có 125 người thiệt mạng khi diễn ra các vụ biểu tình, đụng độ với lực lượng an ninh.
Bulent Kilic, một thành viên ban giám khảo khác, hiện là giám đốc ảnh của AFP ở phân xã Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh vào một chi tiết nhỏ trên tấm hình. "Đó là hình sơn khẩu súng trên tường, bên cạnh là chữ 'paz', nghĩa là hòa bình. Chi tiết nhỏ này làm bức ảnh mạnh mẽ hơn", ông nhận định.
Schemidt cho biết "rất cảm động, và cũng rất phấn khích" khi đoạt giải. Dù đã rời khỏi quê hương 18 năm trước, nhưng hơn ai hết, nhiếp ảnh gia 48 tuổi vẫn hiểu rõ hoàn cảnh của Venezuela lúc này, vì gia đình ông đang vô cùng khó khăn ở quê hương.
"Khoảnh khắc chụp ảnh, tôi không nghĩ rằng mình sẽ được giải nào đó. Tôi chỉ bị sốc vì những gì đang thấy, bởi chưa từng chứng kiến cảnh bạo lực như thế", ông nói. Ngoài giải Ảnh Báo chí của Năm, tấm hình "Người cháy" của Schemidt còn chiến thắng trong hạng mục Ảnh Tin Tiêu điểm.
"Đối với tôi, tấm hình đại diện cho tình trạng đất nước Venezuela. Việc bắt bớ những người bị buộc phải ra đường biểu tình vì thiếu thốn là một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Đó là chân dung Venezuela một năm trước, bây giờ, tình hình thậm chí tệ hơn", Schmedit nói.
Ngoài khủng hoảng ở Venezuela, những hình ảnh về cuộc khủng hoảng di cư của người Rohingya ở Myanmar, chiến tranh ở Iraq và tấn công khủng bố ở London, cũng được vinh danh trong Giải Ảnh Báo chí thế giới 2018. Ban giám khảo đã lựa chọn người chiến thắng từ hơn 73.000 tấm ảnn của hơn 4.500 nhiếp ảnh gia đến từ 125 quốc gia.
Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới được coi là giải ảnh báo chí danh giá nhất hiện nay, cũng là giải quốc tế duy nhất có sự tham gia của các hãng thông tấn, nhiếp ảnh gia khắp thế giới. Giải do Hiệp hội Ảnh Báo chí Thế giới, một tổ chức phi lợi nhuận sáng lập năm 1955 tại Hà Lan. Cuối mỗi tháng 1 hàng năm, hàng chục nghìn tấm ảnh dự thi khắp thế giới sẽ gửi về Amsterdam và ban giám khảo thuộc hiệp hội sẽ chọn ra Ảnh Báo chí của năm, giải thưởng cao quý nhất dành cho một nhiếp ảnh gia, ghi nhận sự cống hiến, vượt qua gian khổ để chụp được tấm ảnh đó. Ngoài hạng mục Ảnh Báo chí của Năm, Hội còn trao giải cho 10 hạng mục khác như: ảnh tiêu điểm, ảnh tin tức, ảnh nhân vật, ảnh thể thao... |
Hồng Hạnh