Gương mặt mệt mỏi, thất thần, anh Nguyễn Văn Quân (quê Hà Tĩnh) cho biết cùng em trai Nguyễn Văn Quang (19 tuổi) đến thủy điện Đạ Dâng, tỉnh Lâm Đồng làm công nhân 5 tháng trước. “Nó kẹt ở trong hầm 3 ngày rồi. Thằng Quang vừa thi trượt đại học, cảnh quê nghèo khó nên anh em rủ nhau vào đây làm. Không ngờ lại ra thế", anh Quân nói. "Ở xứ xa nhà, anh em chúng tôi đi đâu cũng thường có nhau. Kiếm được đồng nào đều lên kế hoạch gửi về quê cho cha mẹ, chỉ giữ lại một chút dùng".
Có mặt tại thời điểm hầm sập sáng 16/12, anh Quân bảo không bao giờ quên được giây phút kinh hoàng nhất này. Lúc đó, khi anh cùng vài người khác đưa thép vào khu vực thi công gần cửa hầm thì nghe tiếng động ầm ầm và tiếng thét to: "Sập hầm rồi".
Rụng rời tay chân vì biết em trai làm việc bên trong, anh Quân cùng những công nhân khác tức tốc chạy vào dùng tất cả dụng cụ có thể để đào xới, mong tìm đường thoát cho các nạn nhân. Tuy nhiên họ càng đào, đất đá càng sụt lún. Em anh Quân và 11 người khác bị kẹt lại ở vị trí cách miệng hầm khoảng 500 mét. Khối đất đá có chiều dài đến hơn 30 mét đã bịt kín lối thoát của họ.
“Hơn chục người chúng tôi ai cũng khóc vì bất lực trước đống đất đá khổng lồ. Trong đó còn có anh họ của tôi, Nguyễn Anh Tuấn", anh Quân nói.
Giống như anh em nhà anh Quân, rất nhiều công nhân đang làm việc tại thủy điện Đạ Dâng này là họ hàng hoặc những người cùng xã, cùng thôn rủ nhau tha hương kiếm sống. “Người này rủ người kia nên mấy công nhân coi nhau như anh em trong gia đình. Không chỉ Quang, Tuấn, mấy người bị kẹt chung cũng là bạn bè thân thiết”, anh Quân cho hay.
Khi lực lượng cứu hộ khoan được đường ống bơm oxy, nghe được giọng em trai, biết 12 người còn sống, anh Quân muốn nhảy cẫng lên vì mừng. "Qua đường ống, nó nói lạnh, đói và mọi người đang chen chúc đứng trên chiếc máy cao hơn 1,5 mét. Nó kêu gởi được đồ ăn, áo quần vào thì không sao rồi bảo tôi đừng lo. Nó ở trong mà động viên ngược ra ngoài vậy đó”, anh Quân ứa nước mắt.
Trong số 12 nạn nhân, duy nhất chị Đặng Thị Hồng Ngọc là nữ. Người chồng may mắn thoát nạn ở bên ngoài đang hàng ngày lo lắng cho anh trai và vợ bên trong.
26 tuổi, chị Ngọc cùng chồng Phạm Viết Bắc gửi con nhỏ ở quê Nghệ An để đến xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, làm công trình thủy điện Đạ Dâng hơn một tháng nay.
“Chị ấy khỏe, xinh gái lắm. Chồng là quản lý lán trại trộn bê tông cho công trình. Vợ chồng chị ấy đi đâu cũng quấn quýt và thường cùng anh em công nhân tổ chức liên hoan vui vẻ với người dân ở đây", người phụ nữ địa phương thường ngày nấu ăn cho các công nhân công trình, cho biết.
Chơi khá thân nên chị này biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Ngọc. “Vợ chồng tha phương cầu thực làm công nhân kiếm 5-6 triệu đồng mỗi tháng. Họ chi tiêu tiết kiệm lắm, còn bao hiêu gửi hết về quê cho ông bà nuôi con”, chị này nói.
Theo ông Đặng Hồng Chiến (chú của Ngọc), cả nhóm ông gồm hơn chục người từ huyện Thanh Chương, Nghệ An vào làm công nhân. “Anh em thằng Nam, thằng Bắc đi làm nhiều thủy điện rồi. Sau này thằng Bắc nói con Ngọc gởi con vào đây làm cho có chồng, có vợ. Hôm qua tôi vào đưa cháo, nghe thằng Nam báo tinh thần con Ngọc cũng ổn. Nhưng có mỗi nó là phụ nữ, rồi chuyện vệ sinh sức khỏe thế nào...", ông Chiến vẻ xúc động, nói.
Đôi mắt sưng húp, gương mặt khắc khổ, chị Phạm Thị Hoa thẫn thờ bên bếp lửa nơi nồi cháo nấu cho 12 người bị kẹt đang sôi sùng sục. “Cô ấy ngồi đó từ sáng đến tối, chả thiết ăn uống, ngủ nghỉ gì. Mỗi khi có người từ trong hầm về cô lại hỏi dồn dập thông tin về chồng, tội lắm”, một công nhân trong lán trại cho biết.
Chồng chị Hoa, anh Trương Tuấn Việt dù ngoài 40 tuổi nhưng vẫn theo anh em gần nhà vào Lâm Đồng làm công nhân để kiếm tiền nuôi gia đình. Mang trên mình di chứng chất độc dam cam, chị Hoa cho biết anh ốm yếu, kham khổ và già hơn cái tuổi của mình. Hai con gái 5 và 7 tuổi của vợ chồng chị cũng bị ảnh hưởng chất độc từ cha nên thường xuyên bị bệnh tật hành hạ. Gia đình chị quen mặt với hầu hết các bệnh viện lớn nhỏ ở Hà Nội.
>> Video: Vợ nạn nhân kẹt trong hầm mong nghe được tiếng chồng
Anh Việt được anh em trong làng rủ vào Lâm Đồng làm công nhân vì ngoài quê làm ruộng không đủ ăn trong khi gia đình nào cũng 4-5 miệng ăn. Trong số người bị kẹt ở hầm có anh Nhỡ Văn Tường (29 tuổi), ở sát bên nhà chị Hoa. “Nhà không có tiền, con lại bệnh nên bao nhiêu của cải làm ra cũng tiêu tan. Anh ấy sức yếu nhưng làm đủ việc để có tiền chạy chữa cho con. Anh làm dưới hầm, khí độc, nguy hiểm nhưng nếu không đi thì tiền đâu lo cho con”, chị Hoa quẹt vội dòng nước mắt.
Nghe tin chồng bị nạn, chị bắt chuyến xe sớm từ Hà Nam vào Lâm Đồng. Lo lắng, suy nghĩ, mất ngủ nên khi đến nơi chị ngất đi phải nhờ lực lượng y tế can thiệp. Hai hôm nay chị Hoa vẫn chưa được vào nơi chồng bị nạn, mỗi ngày chị ngồi nấu đồ ăn và chờ thông tin anh em trong hầm truyền tải lại.
“Bây giờ chỉ mong nghe được tiếng của chồng, biết anh ấy còn khỏe để bớt lo. Đời chúng tôi cực lắm rồi nhưng có khổ thế nào thì sống chết vẫn phải cận kề nhau”, chị Hoa lại khóc.
Ông Nguyễn Công Tào - bếp trưởng khu lán trại công nhân - cho biết, trong nhóm người đang bị kẹt dưới hầm còn có 4 người là anh em ruột, họ hàng quê ở Nam Định là Hoàng Đình Hường, Hoàng Đình Thịnh, Hoàng Anh Văn, Hoàng Tiến Đoàn.
“Cùng cảnh nghèo phải đi làm xa kiếm sống nên mấy anh em cứ xáp lại chơi thân với nhau. Đứa nào tôi cũng nhớ mặt, nhớ tên hết. Nhiều đứa hẹn Tết về quê ra nhà nhau chơi. Mong tụi nó có hẹn có đi”, ông Tào nói.
Duy Trần