"Thật đáng lo ngại, bạn có thể thấy một phụ nữ trẻ đang đau khổ tột cùng", Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói với báo giới ở London ngày 17/2. "Anh quan ngại về video và Liên Hợp Quốc sẽ theo dõi thêm tình hình".
Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ việc yêu cầu một số bằng chứng từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) rằng Sheikha Latifa còn sống hay không, Raab nói: "Với những gì chúng tôi thấy, về mặt nhân đạo, tôi nghĩ mọi người muốn thấy rằng cô ấy còn sống và khỏe mạnh".
Video do BBC Panorama thu được và cung cấp cho CNN trước khi lên sóng phim tài liệu "Công chúa mất tích" vào tối 16/2, cho thấy công chúa Latifa bint Mohammed Al Maktoum, 35 tuổi nói: "Tôi là con tin. Biệt thự này đã bị chuyển thành nhà tù. Tất cả các cửa sổ đều bị đóng chặt. Tôi không thể mở bất kỳ cánh cửa nào. Tôi đã ở một mình, bị biệt giam. Không được trợ giúp y tế, không xét xử, không bị buộc tội, không có gì hết".
Công chúa nói thầm thì lời kêu cứu trong những video cô bí mật quay từ phòng tắm, thông qua một chiếc điện thoại được tuồn vào "nhà tù" ở Dubai. Latifa quay video trong phòng tắm vì đây là nơi duy nhất trong biệt thự cô có thể khóa cửa. Công chúa cho biết mỗi ngày cô đều sống trong lo lắng về sự an toàn bản thân, trong khi cảnh sát canh giữ còn đe dọa cô "không bao giờ nhìn thấy mặt trời nữa".
Reuters chưa xác định được video quay khi nào và ở đâu. Khi được yêu cầu bình luận về video, văn phòng truyền thông của chính quyền Dubai đề nghị báo giới chuyển câu hỏi cho công ty luật của Tiểu vương Dubai Mohammed bin Rashid al-Maktoum. Công ty này chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Công chúa Latifah là một trong khoảng 30 người con của Tiểu vương al-Maktoumm, 71 tuổi, người đồng thời là Thủ tướng kiêm Phó tổng thống Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Năm 2018, cô từng tìm cách trốn khỏi Dubai, nhưng bị cha bắt lại trên một con tàu ngoài khơi Ấn Độ. Chiến dịch Phóng thích Latifa, bên vận động trả tự do cho Công chúa, nói rằng họ đã tuồn điện thoại cho Latifa, được sử dụng để gửi một loạt video bí mật trong hai năm qua.
Sau lần bỏ trốn thất bại vào năm 2018, Latifa đã được cựu cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc Mary Robinson đến thăm. Robinson nói rằng công chúa Dubai "rối loạn" và "hối hận" khi cố gắng bỏ trốn. Tuy nhiên, Robinson nói với BBC rằng bà đã bị "lừa" trong chuyến thăm này và không được biết tình trạng thực sự của Latifa.
Phương Vũ (Theo Reuters)