Mang tên "Webb's First Deep Field", bức ảnh ấn tượng hé lộ vũ trụ ở thời điểm vài trăm triệu năm sau vụ nổ Big Bang, khi các thiên hà bắt đầu hình thành và ánh sáng nhấp nháy từ những ngôi sao đầu tiên. Ánh sáng sao này mất khoảng 13,5 tỷ năm để truyền tới chúng ta, đến kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) sau khi lực hấp dẫn bóp méo trường không gian - thời gian của cụm thiên hà MACS 0723 hướng ánh sáng xa xôi vào tâm điểm quan sát.
"Chúng ta đang đi ngược 13,5 tỷ năm", giám đốc NASA Bill Nelson chia sẻ trong họp báo trực tuyến hôm 11/7. "Do chúng ta đã biết vũ trụ 13,8 tỷ năm tuổi, chúng ta gần như đang quay về khởi đầu của vũ trụ". Theo Nelson, kính viễn vọng JWST chính xác đến mức giới nghiên cứu có thể xem xét một hành tinh có thể ở được hay không và giải đáp nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Kỷ lục trước đây về bức ảnh vũ trụ sâu nhất thuộc về kính viễn vọng không gian Hubble. Trường ảnh sâu của Hubble cho thấy vũ trụ ở 700 triệu năm sau vụ nổ Big Bang, khi các thiên hà đã tụ hợp trong vũ trụ non trẻ. Nhưng để quan sát mốc thời gian lâu hơn, các nhà khoa học cần thiết kế kính viễn vọng vừa đủ lớn để thu ánh sáng từ những vật thể mờ nhất vừa có thể phát hiện tần số giữa hồng ngoại.
Kính JWST ra đời với gương sơ cấp rộng 6,6 m, lớn hơn nhiều so với đường kính gương 2,4 m của kính Hubble. Điều này có nghĩa JWST có thể phát hiện vật thể mờ gấp 100 lần mức Hubble có thể quan sát. Kính viễn vọng này cũng có thể quét vũ trụ bằng tia hồng ngoại, từ đó quan sát những thiên hà ra đời 200 triệu năm sau vụ nổ Big Bang.
Độ nhạy cực cao của JWST với tần số hồng ngoại có nghĩa cỗ máy cần cách ly với tín hiệu nhiệt gây gián đoạn từ Trái Đất. Hiện nay, JWST đang hoạt động ở vị trí ổn định về lực hấp dẫn ở ngoài quỹ đạo Mặt Trăng gọi là điểm Lagrange sau khi phóng vào tháng 12/2021. Trong 6 tháng tiếp theo, các kỹ sư NASA đã hiệu chỉnh thiết bị và gương của kính viễn vọng để chụp loạt ảnh đầu tiên. Bức ảnh mới cũng nằm trong loạt ảnh này. Vào 22h30 ngày 12/7 theo giờ Hà Nội, NASA sẽ công bố thêm 4 bức ảnh nữa về vườm ươm sao, khí quyển của một ngoại hành tinh xa xôi, vụ nổ khí hình số 8 từ ngôi sao chết và cụm 5 thiên hà sắp đâm vào nhau.
An Khang (Theo Live Science)