Hai phi công trong buồng lái đang điều khiển chuyến bay tới Nam Cực, xuyên ánh mặt trời chói chang lúc nửa đêm. Phi công Garry Studd (phải) cho biết, ông không gặp vấn đề gì khi đáp chiếc Airbus A319 trên mặt băng. Ông tìm thấy đường băng được định hướng bằng tia laser dài 4 km tại đây để hạ cánh còn dễ dàng hơn so với nhiều sân bay quốc tế. Ảnh: AFP. |
Cựu ca sĩ nhạc rock nay là Bộ trưởng Môi trường Australia Peter Garrett (giữa, mặc áo khoác vàng) đang bước xuống đường băng mang tên Wilkins và được trạm trưởng trạm nghiên cứu Nam Cực Casey là Jeremy Smith chào đón tại chân cầu thang máy bay. Ảnh: AFP. |
Chuyến bay xuất phát từ thành phố Howart của Australia và đến Nam Cực hết chưa đầy 5 tiếng. Hành khách cùng các nhà khoa học, quan chức chính phủ Australia và nhân viên mặt đất của sân bay đang bước đi trên đường băng lạnh giá sau khi máy bay hạ cánh. Ảnh: AFP. |
Bộ trưởng Môi trường Australia Peter Garrett, một vị khách đặc biệt tham gia chuyến bay, đang đứng trước chiếc phi cơ đỗ trên đường băng. Ông đánh giá sự ra đời của đường băng Wilkins trên Nam Cực đã mở ra một "kỷ nguyên mới" trong nỗ lực chăm sóc hành tinh. Ảnh: AP. |
Một trong những "cơ sở vật chất" của sân bay mới mở trên Nam Cực là căn lều tuyết dùng làm nhà vệ sinh. Mặc dù vậy, đây vẫn là một cuộc cách mạng trong việc đi lại và nghiên cứu của các nhà khoa học. Ảnh: AFP. |
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử có đường bay thương mại đến Nam Cực với tần suất mỗi tuần một chuyến. Tuy nhiên, hiện đường bay này chỉ phục vụ cho các nhà khoa học và quan chức chính phủ Australia, không mở cửa đối với du khách. Ảnh: AP. |
Hành khách trên chuyến bay đặc biệt tới Nam Cực bước ngang qua những cơ sở vật chật của sân bay, là những ngôi nhà có hình dánh như những chiếc container được thiết kế có thể chống chọi được cái rét khắc nghiệt ở Nam Cực. Ảnh: AP. |
Hành khách cùng các nhân viên chính phủ và nhân viên mặt đất chụp ảnh kỷ niệm phía trước chiếc Airbus A319, trong ánh mặt trời rực rỡ lúc nửa đêm và nhiệt độ là âm 17 độ C. Có 8 nhà khoa học đóng trên Nam Cực đã đi quãng đường dài 65 km từ trạm nghiên cứu Casey của Australia tới đây để chào đón các vị khách. Ảnh: AFP. |
Trạm nghiên cứu Casey của Australia đặt tại Nam Cực nhìn từ trên không. Trước khi có đường bay nói trên, các nhà nghiên cứu phải mất vài tuần lênh đênh trên biển mới có thể từ Australia đến được địa điểm này, nay thì họ chỉ mất chưa đầy 5 tiếng đi bằng máy bay. Ảnh: AFP. |
Đình Chính