"Khả năng miễn dịch với nCoV và giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh rất có thể suy yếu theo thời gian", theo tóm tắt tài liệu "Vaccine tiếp tục chống Covid-19 trong bao lâu?", được Nhóm Cố vấn Chính phủ Phụ trách Trường hợp Khẩn Cấp (SAGE) của Anh công bố ngày 30/7.
"Do đó, chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 có thể phải diễn ra trong nhiều năm tới, song chúng ta chưa rõ tần suất tiêm chủng tối ưu cần thiết là bao nhiêu để bảo vệ những người dễ bị tổn thương khỏi đại dịch", các chuyên gia virus và dịch tễ học thuộc Đại học Hoàng gia London, Đại học Birmingham và Cơ quan Y tế Công cộng Anh cho biết.
Anh cấp phép và đang triển khai tiêm vaccine Covid-19 của Oxford-AstraZeneca, Pfizer-BioNTech và Moderna trong chương trình tiêm chủng được triển khai từ hồi tháng 12/2020.
Theo thống kê của Our World in Data, tính đến ngày 30/7, Anh đã tiêm 84,52 mũi vaccine Covid-19, trong đó 46,73 triệu người tiêm ít nhất một mũi và 37,78 triệu người hoàn thành liệu trình.
Giới chuyên gia Anh nhận định ba loại vaccine nước này đang sử dụng có hiệu quả bảo vệ từ 95% trở lên với biển chủng Alpha, từng là chủng trội tại đây hồi đầu năm nay.
Họ kỳ vọng hiệu quả ngăn bệnh tiến triển nặng vẫn cao, song cảnh báo khả năng ngăn nhiễm nCoV và bệnh nhẹ có thể giảm theo thời gian. Các báo cáo từ Anh và Israel, nơi triển khai chiến dịch tiêm chủng diện rộng, củng cố giả thuyết này.
Thế giới đã ghi nhận 197.647.862 ca nhiễm nCoV và 4.219.152 ca tử vong, tăng lần lượt 328.187 và 5.168, trong khi 176.999.215 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Anh là vùng dịch lớn thứ 6 thế giới và thứ ba tại châu Âu, ghi nhận 5.830.774 ca nhiễm và 129.583 ca tử vong, tăng 29.622 và 68.
Dữ liệu vừa được Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) công bố cho biết ca nhiễm giảm tại 313 trong số 315 khu vực của nước này, được đánh giá là dấu hiệu đầy hứa hẹn cho thấy chính sách chống dịch của Anh đang tỏ ra hiệu quả.
Israel báo cáo thêm 2.280 ca nhiễm và 3 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 871.343 và 6.469.
Tổng thống Israel Isaac Herzog ngày 30/7 thông báo nước này sẽ tiêm mũi vaccine thứ ba cho người trên 60 tuổi để cuộc sống của dân chúng có thể trở lại "bình thường" sớm nhất có thể. Trước đó một ngày, Thủ tướng Naftali Bennett nói Israel là quốc gia tiên phong tiêm mũi vaccine thứ ba cho người 60 tuổi trở lên.
Israel giữa tháng 7 cho phép tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ ba cho những người bị ức chế miễn dịch nghiêm trọng do họ có nguy cơ nhiễm nCoV cao. Hãng Pfizer của Mỹ, đơn vị sản xuất vaccine dùng ở Israel, công bố kết quả nghiên cứu cho thấy tiêm mũi thứ ba giúp tăng hiệu quả chống biến chủng Delta.
Nhật Bản ghi nhận 902.718 ca nhiễm và 15.173 ca tử vong, tăng 10.697 và 13 trong 24 giờ qua.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga thông báo áp đặt tình trạng khẩn cấp tại tỉnh Chiba, Kanagawa, Saitama và Osaka ngày 2-31/8, đồng thời gia hạn tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và đảo Okinawa đến ngày 31/8. Quyết định được đưa ra sau khi Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt.
Ca nhiễm tăng vọt đang gây áp lực lên hệ thống y tế tại thủ đô của Nhật Bản, khi 64% số giường điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng đã được sử dụng từ giữa tuần qua. Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người đứng đầu nhóm ứng phó Covid-19 của Nhật Bản, cho biết số ca nhiễm mới chưa đạt đỉnh và "tình hình hiện nay cực kỳ nghiêm trọng".
Bộ trưởng Y tế Norihisa Tamura thừa nhận Nhật Bản đang bước vào giai đoạn "cực kỳ đáng sợ" khi số ca nhiễm tăng vọt dù hoạt động đi lại không gia tăng, trong đó biến chủng Delta được cho là một trong những nguyên nhân lớn nhất.
Đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp tại khu vực Đông Nam Á. Philippines, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, báo cáo thêm 8.562 ca nhiễm và 145 ca tử vong trong 24 giờ qua, tổng số là 1.580.824 và 27.722.
Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, thông báo nước này tái áp đặt lệnh phong tỏa đối với thủ đô Manila. Quy định dừng hoạt động ăn uống tại nhà hàng và cấm tụ tập đông người có hiệu lực từ 30/7, lệnh cấm dân chúng ra đường được áp dụng từ 6/8 và có hiệu lực trong hai tuần.
Nhóm nghiên cứu độc lập OCTA, chịu trách nhiệm cố vấn cho chính phủ Philippines về phản ứng với đại dịch, đã kêu gọi phong tỏa thủ đô Manila ngay lập tức, đồng thời cảnh báo số ca nhiễm hàng ngày tại đây có thể tăng gấp ba, lên 3.000 ca, vào giữa tháng 8 nếu không hành động.
Các thị trưởng trong vùng đô thị Manila, khu vực bao gồm 16 thành phố và một khu đô thị, được cho là đều ủng hộ yêu cầu người dân ở nhà nếu chính phủ hỗ trợ cư dân. Lần phong tỏa gần đây nhất tại khu vực này và các tỉnh xung quanh là hồi tháng 3, khi tình trạng lây nhiễm kỷ lục khiến hệ thống bệnh viện phải hoạt động hết công suất.
Philippines siết chặt hạn chế trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng của đất nước gặp khó khăn vì nguồn cung eo hẹp và thách thức về hậu cần. Mới chỉ 7,8 triệu người Philippines, tương đương 7% dân số, đã được tiêm chủng Covid-19 đầy đủ.
Myanmar ghi nhận 289.333 ca nhiễm và 8.552 ca tử vong, tăng 5.234 và 342 trong 24 giờ qua.
Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Barbara Woodward ngày 29/7 đánh giá diễn biến dịch Covid-19 tại Myanmar đang nguy cấp. Tình hình xấu đi nhanh chóng sau khi quân đội Myanmar tiếp quản quyền lực hồi tháng 2, khiến nhiều cuộc biển tình nổ ra trên khắp cả nước.
Woodward cảnh báo khoảng 50% dân số Myanmar có thể nhiễm nCoV trong hai tuần tới nếu tình hình không được cải thiện. Myanmar có khoảng 54 triệu dân.
Woodward kêu gọi Hội đồng Bảo an tìm cách thực thi Nghị quyết 2565 tại Myanmar, yêu cầu ngừng bắn ở những vùng xung đột nhằm đảm bảo vận chuyển an toàn vaccine Covid-19.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)