Các chuyên gia cho biết tỷ lệ nhiễm nCoV ở Anh đã giảm, đồng nghĩa rủi ro do tiêm phòng có thể lớn hơn nguy cơ mắc bệnh. Theo phân tích từ cơ quan quản lý, tỷ lệ đông máu hiếm gặp nói chung sau tiêm vaccine AstraZeneca là khoảng 1/100.000 người. Tỷ lệ này tăng lên khoảng 1/60.000 người ở độ tuổi 30. Tỷ lệ tử vong ở người sau tiêm vaccine nói chung là khoảng 2 phần triệu, tỷ lệ ở độ tuổi từ 30 đến 39 là 4,5 phần triệu.
Giới chức y tế công cộng cho rằng thay đổi hướng dẫn không ảnh hưởng đến tốc độ tiêm chủng quốc gia. Tất cả người lớn vẫn được tiêm ít nhất một liều vaccine vào cuối tháng 7 như dự kiến. JCVI cũng kết luận "không có rủi ro liên quan đến liều thứ hai của vaccine". Ủy ban khuyến nghị người dân nên tiêm chủng đầy đủ cả hai liều.
Dữ liệu chính phủ công bố hôm 6/5 cho thấy đến nay Anh ghi nhận 242 ca đông máu hiếm gặp sau khi tiêm ít nhất một liều vaccine, tăng 33 trường hợp so với tuần trước. Trong đó, 49 người đã tử vong. Hai phần ba số người gặp tác dụng phụ dưới 60 tuổi.
Hướng dẫn mới của Anh là đòn giáng mạnh vào Đại học Oxford và đối tác là hãng dược AstraZeneca. Đan Mạch tháng 4 cấm hoàn toàn vaccine AstraZeneca. Nhiều quốc gia châu Âu khác giới hạn tiêm vaccine AstraZeneca cho người lớn tuổi do các bằng chứng cho thấy chứng đông máu chủ yếu xảy ra ở người trẻ.
Nghiên cứu của Trung tâm Truyền thông Rủi ro và Bằng chứng Winton, Đại học Cambridge, chỉ ra rằng đối với người dưới 30 tuổi, nguy cơ nhiễm nCoV và rủi ro do tiêm chủng là tương đương, tùy thuộc vào tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng tại từng thời điểm.
Anh là một trong những nước triển khai chiến dịch tiêm chủng hiệu quả nhất thế giới nhờ vaccine AstraZeneca. Người trẻ tuổi hiện có nguy cơ nhiễm virus thấp hơn nhiều so với trước đây.
"Dữ liệu đi đúng hướng. Tỷ lệ nhiễm nCoV đã giảm khiến việc trì hoãn tiêm vaccine không thành vấn đề", Robert Dingwall, giáo sư xã hội tại đại học Nottingham Trent, thành viên JCVI, cho biết.
Thục Linh (Theo Financial Times)