"Chúng ta phải thừa nhận đây là tình huống rất, rất nguy hiểm và khó khăn. Các bên đang ở bên vách núi, nhưng vẫn còn thời gian để Tổng thống Vladimir Putin lùi bước. Chúng tôi kêu gọi các bên tiếp tục đối thoại", Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết hôm nay.
Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson khẳng định không thể đánh đổi quyền gia nhập NATO của Ukraine, thêm rằng ông sẽ sớm hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden để thúc đẩy tiến trình ngoại giao. "Điều quan trọng là có những cuộc thảo luận. Dù vậy, không thể đổi chác quyền chủ quyền và khao khát gia nhập NATO của người dân Ukraine. Đó là điều không thể mặc cả", Johnson cho hay.
Phát biểu được đưa ra sau khi đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko nói Kiev có thể từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO để ngăn xung đột, nhưng nhanh chóng đính chính và khẳng định nước này không thay đổi lập trường. "Ukraine chưa phải thành viên NATO và sẵn sàng nhượng bộ trong nhiều vấn đề, đó là điều chúng tôi đang thảo luận với phía Nga. Chuyện này không liên quan đến NATO", ông nói.
Quan chức Ukraine cho biết Kiev đang tìm kiếm những thỏa thuận song phương với Washington và London, nhằm bảo đảm nước này có thể vượt qua khủng hoảng hiện nay. Ông trả lời "không" khi được hỏi một lần nữa rằng Ukraine có thay đổi quyết tâm gia nhập NATO hay không.
NATO năm 2008 hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội cho Ukraine gia nhập, thắp lên nhiều kỳ vọng ở Kiev nhưng lại khiến Moskva tức giận, bởi Nga cho rằng đây là mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của nước này.
Nga hồi tháng 12/2021 gửi đề xuất an ninh 8 điểm cho Mỹ và NATO, trong đó có yêu cầu đảm bảo về mặt pháp lý rằng NATO không kết nạp thêm bất cứ quốc gia nào từng thuộc Liên Xô, trong đó có Ukraine và Gruzia, đồng thời không triển khai vũ khí tấn công gần biên giới Nga.
Quan chức Mỹ tháng trước khẳng định yêu cầu NATO rút lực lượng khỏi Đông Âu và ngăn Ukraine gia nhập liên minh là không thể thực hiện, trong khi NATO nhấn mạnh Ukraine và mọi quốc gia có chủ quyền đều được phép xin gia nhập liên minh.
Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây cáo buộc Nga có kế hoạch tấn công Ukraine, sau khi điều động hơn 100.000 quân cùng nhiều khí tài quân sự áp sát biên giới nước láng giềng.
Trước đợt điều quân của Nga, Mỹ điều chiến hạm và oanh tạc cơ B-1B tham gia "diễn tập ngoài kế hoạch" của NATO tại Biển Đen, với hai thành viên của liên minh là Thổ Nhĩ Kỳ và Romania cùng Ukraine. Ngoài ra, Mỹ và một số đồng minh NATO tiếp tục bán và viện trợ vũ khí cho Ukraine. Với ủng hộ từ Washington, Kiev leo thang chiến sự với phe ly khai ở miền đông sau nhiều năm giao tranh hạ nhiệt.
Xem thêm:
- Thế trận của Nga quanh Ukraine
- Ba tháng khủng hoảng Nga - Ukraine tăng nhiệt
Vũ Anh (Theo Reuters)