Trưa 1/11, nghệ sĩ Ánh Hoa qua đời ở tuổi 79 sau nhiều ngày điều trị tai biến mạch máu. Đông đảo đồng nghiệp, hậu bối xót xa bởi chỉ vài tháng trước, bà còn xông xáo tham gia các dự án MV, phim ngắn. Từng mời bà quay video ca khúc Chỉ có mẹ mà thôi nhân mùa Vu Lan hồi tháng 9, ca sĩ Hồ Việt Trung bàng hoàng khi hay tin. Anh viết: "Cuộc sống thật mong manh, hôm bữa má còn khỏe lắm mà. Má ơi, má ra đi thanh thản".
60 năm làm nghề, Ánh Hoa để lại di sản với hàng trăm vai lớn nhỏ. Thời trẻ, nghệ sĩ là cô đào tài sắc trên sân khấu cải lương. Sinh ra ở Bến Tre, trong một gia đình giàu truyền thống cải lương, năm 7 tuổi, Ánh Hoa diễn vở đầu tay Na Tra lóc thịt của gánh hát Tỷ Phượng. Năm 15, bà đảm nhận vai đào chính đầu tiên. Khi kết hôn với "Vua Xàng Xê" Minh Chí - kép nổi tiếng một thời, bà chuyển qua nghiệp làm bầu, cùng chồng dìu dắt đoàn hát của ông lưu diễn khắp miền Tây.
Sau những năm bôn ba "gạo chợ nước sông", bà về đoàn Trần Hữu Trang và gây tiếng vang với những vai lão như nhũ mẫu trong Dương Vân Nga, bà mẹ trong Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga... Tiến sĩ Lê Hồng Phước - nhà nghiên cứu cải lương lâu năm - nhận xét: "Vai bà lão trong Lục Vân Tiên của Ánh Hoa là một vai phụ không thể nào phụ hơn được nữa. Ấy thế mà chỉ một vai đó, bà đã ghi đậm tên mình trong lịch sử sân khấu cải lương. Đến nay, vẫn chưa ai đóng vai đó nhẹ nhàng và ra chất cải lương như bà". Ánh Hoa tiếp tục bám trụ với sân khấu đến khi nghệ sĩ Minh Chí lâm bệnh nặng, bà mới nghỉ hát để dồn sức chăm chồng.
Danh tiếng đến với bà khi chuyển sang đóng phim. Khuôn mặt hiền hậu với nụ cười nhân từ, bà được nhiều đạo diễn chọn đóng các vai người mẹ, người bà có số phận khắc khổ, giàu tình thương con cháu. Cơ duyên phim ảnh của bà bắt đầu từ năm 1992, khi đoàn làm phim Người tình (L'Amant) đến tận nhà, mời bà vào vai bảo mẫu của một gia đình. Từ lần thử vai đầu tiên, đạo diễn người Pháp Jean Jacques Annaud lập tức bị thuyết phục bởi lối diễn mộc mạc, tự nhiên của bà. Bộ phim trở thành hiện tượng, mang về cho bà nhiều cơ hội diễn xuất mới, trong đó có tác phẩm Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng (năm 1993). Với nhân vật bà Ti - quản gia một gia đình giàu có, bà để lại ấn tượng sâu đậm bởi khuôn mặt, giọng thoại đậm chất Nam bộ. Vai diễn mang lại thù lao lớn nhất của bà lúc ấy - 50 triệu đồng.
Đến phim Đất phương Nam (1997), Ánh Hoa tạo tiếng vang trên màn ảnh nhỏ. Nhân vật Tám Luông của bà ghi dấu như một trong những vai lão đáng nhớ của phim truyền hình Việt. Ánh Hoa xuất hiện từ tập đầu, chiếm thiện cảm của khán giả trong những cảnh che chở, bao bọc An (Hùng Thuận) - cậu bé mồ côi mẹ, đi tìm cha những ngày loạn lạc. Đến tập chín, cảnh bà Tám đớn đau tột độ khi thấy những người con ngã xuống vì chống lại lính Tây lấy nước mắt không ít người xem. Hình ảnh bóng dáng bà Tám liêu xiêu, thất thần, ngã lên ngã xuống trên bờ ruộng, trở thành một trong những phân đoạn giàu cảm xúc của tác phẩm kinh điển.
Ánh Hoa từ đó tiếp tục vào vai mẹ, vai bà trong loạt phim truyền hình nổi tiếng. Trong Đồng tiền xương máu, Ánh Hoa đóng người mẹ của ba đứa con. Dù đất diễn không nhiều, bà gây chú ý với nhân vật chịu thương chịu khó, lo lắng cho chồng con và đau đáu khi thấy gia đình liên tiếp gặp biến cố. Sinh thời, bà nhẩm tính từng đóng khoảng 200 vai lão. Đến mức, nhiều diễn viên trẻ gặp bà trên phim trường và cúi đầu: "Chào má", bởi đã mặc định bà như một người mẹ quá đỗi thân thuộc của màn ảnh. Nghệ sĩ không buồn khi bị đóng khung trong một dạng vai, cho rằng đó là duyên nợ với nghề.
Thành danh với những vai lận đận, khắc khổ, cuộc đời Ánh Hoa cũng lắm nỗi chua cay. Gần 30 năm trước, chồng bà qua đời sau thời gian bệnh nặng. Ông mất chỉ vài tháng sau khi bà quay xong phim Mùi đu đủ xanh. Các con của bà cũng lần lượt ra đi. Năm lên 10 tuổi, con gái bà qua đời chỉ sau năm ngày trở bệnh nặng. Con trai đột ngột bỏ bà ở tuổi đôi mươi sau tai nạn, để bà lại một mình, ra vào trong căn nhà dưới chân cầu chữ Y (quận 8). Vài năm trước, bà bán căn nhà, thuê bên quận 7 sống cùng người cháu nội.
Trải qua nhiều mất mát, những năm cuối đời, Ánh Hoa thường coi mọi sự như nước chảy mây trôi. Bà từng buộc bản thân phải mạnh mẽ hơn để sống tiếp bởi bà tâm niệm cuộc đời vẫn vui nhiều hơn buồn. "Tôi còn được đi diễn, gặp gỡ bạn bè mỗi ngày. Tôi hạnh phúc vì luôn được sống trong vòng tay của các bạn diễn", Ánh Hoa nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2019.
Minh Vương, Bạch Tuyết mỗi lần gặp thường dẫn bà đi chữa mắt, tặng bà tiền chữa bệnh thấp khớp. Lệ Thủy đi đâu cũng ghé thăm, Phượng Liên ở xa mỗi lần về nước là tặng quà, cùng bà ôn lại kỷ niệm một thời đi hát. Bởi vậy, mỗi lần có lời mời đi quay, bà bắt xe ôm đến phim trường. Một năm gần đây, sức khỏe xuống dốc, khó học thuộc thoại dài, bà mới từ chối đóng phim, nhận tham gia đóng MV cùng các ca sĩ trẻ cho đỡ nhớ nghề.
Chiều 1/11, hay tin Ánh Hoa mất, đồng nghiệp, khán giả nhiều thế hệ ôn lại kỷ niệm về bà qua các vai diễn. Trên VnExpress, độc giả A Toàn viết: "Biết là quy luật của tạo hoá, nhưng thật buồn khi mỗi năm lại thấy vài nghệ sĩ mình yêu mến lại không còn nữa. Thế hệ 8x như mình chắc không ai là không biết nghệ sĩ Ánh Hoa". David Tèo viết thơ tiễn đưa bà: "Vĩnh hằng một cõi cô đi/ Biệt ly nước mắt ướt mi triệu người/ Ánh dương giờ đã tắt rồi/ Hoa thơm hữu xạ cả đời ngát hương".
Lễ viếng bắt đầu tại nhà nghệ sĩ ở đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP HCM từ 18h ngày 1/11. Lễ động quan diễn ra sáng 3/11, linh cữu được hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Mai Nhật