"Từ chỗ 'không có vấn đề gì' đến 'chị có thể mất cả hai đứa trẻ' chỉ cách nhau 10 phút. Tôi như vừa bị xe bus tông phải", Kim Stroh 27 tuổi, từ bang Texas, Mỹ, nói. "Chúng tôi chỉ còn biết gục xuống, khóc và cầu nguyện", Kim kể lại. Cặp song sinh được chẩn đoán bị "hội chứng truyền máu giữa hai thai" - hội chứng ảnh hưởng đến khoảng 2.000 ca mang thai mỗi năm. Vì những lý do không rõ, máu chảy giữa hai bé bị mất cân đối, một thai bắt đầu lấy máu của thai kia. Tình trạng này xảy ra trong các cặp song sinh cùng trứng, có chung một nhau thai. "Tất cả các cặp song sinh cùng trứng hầu như đều có các mạch máu nối với nhau", tiến sĩ Kenneth Moise, từ Trung tâm phôi học Trẻ em Texas, người phẫu thuật cho Kim, nói. Thai nhận được nhiều máu hơn sẽ phát triển to hơn và gặp nguy hiểm vì tim bị làm việc quá tải. Ngược lại, thai nhỏ hơn không nhận đủ máu, trở nên chậm phát triển. Nếu tình trạng này không được chữa trị, trong 80 đến 90% trường hợp, cả hai bé sẽ chết. Tại Bệnh viện trẻ em ở Texas, các chuyên gia chẩn đoán và điều trị hội chứng này, xử lý khoảng 3 ca mỗi tuần. Các bác sĩ sử dụng công nghệ mới để làm việc bên trong tử cung người mẹ, tách các mạch máu nối hai trẻ với nhau. Kim đã trải qua phẫu thuật vào tuần thứ 22 của thai kỳ. Trong phẫu thuật, các bác sĩ đâm qua màng ối bằng một "kính thiên văn' tí hon. Điều ngạc nhiên là, đôi khi một thai sẽ túm lấy cái kính này. Trong trường hợp của Kim, bác sĩ đã hàn lại 14 mạch máu để ngăn cho máu chảy giữa hai em bé. Cuộc phẫu thuật kết thúc, nhưng Kim và Nate chỉ có thể chờ đợi và cầu nguyện, bởi 20% những ca phẫu thuật như vậy thất bại. Hai tháng sau đó, khi ở tuần thai 32, các bác sĩ đã tiến hành mổ đưa hai bé ra. Bé Owen nặng gần gấp rưỡi bé Blake. Nhưng cả hai bé đều khỏe mạnh, và sẽ xuất viện trong vài tuần tới. T. An (theo ABC) |