Joefred và Ralfred Gregory, 24 tuổi, trưởng thành bên nhau từ thuở nhỏ rồi cùng nhau theo học một trường đại học, đều trở thành kỹ sư. Hai anh em nuôi cùng một kiểu tóc, để cùng một kiểu râu và luôn ăn mặc giống nhau.
Khi Covid-19 bắt đầu hoành hành tại Ấn Độ, hai chàng trai trẻ sống ở thành phố Meerut, bang Uttar Pradesh, miền bắc đất nước đã nhiễm virus và đều phải nhập viện do thể trạng yếu như nhau.
Cha mẹ Joefred và Ralfred Gregory vội vã đưa hai anh em tới bệnh viện tư Anand. Bác sĩ cho biết phổi của cặp sinh đôi bị tổn thương nghiêm trọng và lập tức đưa vào điều trị trong phòng chăm sóc tích cực.
Joefred sau đó nhanh chóng trở nặng với nồng độ oxy trong máu giảm xuống 48% và qua đời trước vào sáng 13/5. Vài giờ sau khi Joefred ra đi, người mẹ cố trấn an Ralfred, nói với anh rằng Joefred vẫn còn sống.
Tuy nhiên, Ralfred cảm nhận được anh em sinh đôi với mình không còn nữa, khó nhọc nói với mẹ từ giường bệnh: "Con biết mẹ đang nói dối con". Một ngày sau cái chết của Joefred, Ralfred cũng trút hơi thở cuối cùng.
Câu chuyện cảm động về anh em song sinh sống chết có nhau sau đó lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Ấn Độ, thu hút sự chú ý của người dân khỏi những dữ liệu về ca nhiễm, ca tử vong do Covid-19 cao kỷ lục.
Trong số hàng nghìn ca tử vong vì nCoV mỗi ngày, người dân Ấn Độ chú ý tới cái chết của hai anh em sinh đôi không chỉ vì tình yêu thương của họ, mà còn vì họ quá trẻ. Sự ra đi của Joefred và Ralfred Gregory phần nào khiến mọi người ý thức được sự nguy hiểm của Covid-19 ngay cả với người trẻ tuổi.
Từ cuối tháng 4 tới đầu tháng 5, Ấn Độ hứng chịu đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất trên thế giới. Khi ca nhiễm liên tục tăng cao, các bệnh viện nước này rơi vào tình trạng quá tải, không thể tiếp nhận toàn bộ người bệnh, dẫn tới cảnh tượng bệnh nhân nằm la liệt chờ được thăm khám. Nhiều người đã chết trên đường phố, trên băng ghế của những chiếc ô tô đậu ngoài cổng viện với hy vọng sớm được tiếp nhận.
Ấn Độ đang là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với hơn 25,7 triệu ca nhiễm và gần 290.000 ca tử vong do nCoV. Chuyên gia nhận định ảnh hưởng từ biến chủng và tình trạng quá tải ở bệnh viện đã khiến người chết vì virus ở nước này liên tục tăng cao, bất chấp ca nhiễm đang có xu hướng giảm.
Ngọc Ánh (Theo NY Times)