Trang trại của anh Quân và Lực, 29 tuổi, ở xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, rộng 6 ha, vốn là đất nông nghiệp của gia đình đã canh tác nhiều năm. "Bố mất sớm, mẹ chỉ đủ sức nuôi đàn lợn, đất đai bỏ hoang nhiều nên anh em tôi luôn ấp ủ kế hoạch làm giàu trên mảnh đất quê hương", anh Quân chia sẻ.
Tốt nghiệp đại học năm 2013, hai anh em vào làm tại một công ty xây dựng công trình hàng không với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Làm được 3 năm, cả hai tích cóp được 300 triệu đồng nên quyết định thôi việc, về làm trang trại với vật nuôi chủ lực là gà chọi, chó cảnh rottweiler và cá koi.
"Khu đất nhà tôi gần sông nên tiện cho việc nuôi cá. Anh em tôi lại chơi gà chọi từ bé nên có sẵn con giống. Nuôi chó thì do đam mê thôi", anh Quân giải thích.
Theo tính toán của anh Quân, chó cảnh và cá koi cần nhiều thời gian mới mang lại thu nhập, sự sống còn của trang trại phụ thuộc vào đàn gà chọi. "Ở Việt Nam, gà chọi là đam mê của rất nhiều người, nuôi rất kỳ công nên mọi thứ liên quan đến chúng đều có thể kiếm được tiền", anh Quân lý giải.
Ngoài 200 con gà đẻ và 100 con gà chọi trống trưởng thành, hai anh em tự chế ra thuốc xoa bóp và thức ăn bổ sung dinh dưỡng để bán. Mỗi năm, trang trại xuất bán khoảng 7.000 gà chọi con với giá 600.000 đồng/con. Gà trưởng thành được hai anh huấn luyện có thể bán ít nhất 10 triệu đồng/con. Thuốc và thức ăn cho gà cũng mang lại thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng.
Đàn gà chọi dễ nuôi, cho thu nhập ổn định, nhưng với anh Quân và Lực, muốn làm giàu thì phải nuôi thành công cá koi. Vì vậy, ngoài 5.000 m2 để nuôi gà chọi, toàn bộ diện tích còn lại, hai anh cho đào 13 ao nuôi cá. "Sản phẩm hướng đến phân khúc khách hàng có điều kiện kinh tế. Hải Phòng khi đó chưa ai nuôi đại trà nên tiềm năng phát triển rất lớn", anh Lực nói.
50 triệu đồng tiền bán gà được hai anh em mang đi Nam Định lấy 5.000 con cá koi giống về nuôi thử. Thời gian đợi cá lớn, anh Lực đi học thêm lớp thú y và chăm sóc trang trại, anh Quân ra ngoài kết bạn, giao lưu với các hội nhóm để học hỏi thêm kinh nghiệm và tiếp cận thị trường.
Sau vài tháng, đàn cá koi lớn nhanh, nặng gần một kg/con, khách đến đặt mua hết. Trừ hết chi phí, vụ cá đó hai anh em lãi 350 triệu đồng. Quả ngọt đầu tiên khiến hai anh em say mê. Cho rằng đã hiểu rõ loại cá này, cả hai dùng hết 3 tỷ đồng đang có đặt mua 300 con cá koi từ Nhật Bản về nhân giống.
Thương vụ lớn đầu tiên cũng là thất bại nặng nhất mà cả hai từng gặp. Do kỹ thuật nuôi chưa vững, việc phòng tránh dịch bệnh và điều tiết nước không tốt nên đàn cá chết hơn một nửa.
"Hai anh em tiếc đến mất ăn, mất ngủ, thậm chí cãi nhau to, nhưng sau khi bình tĩnh phân tích nguyên nhân thì quyết không bỏ cuộc. Dù sao thì tiền mua cá cũng là tiền do trang trại làm ra, chưa phá sản được. Chúng tôi bảo nhau lên mạng tìm hiểu cách phòng bệnh, thay nước", anh Quân nhớ lại
Hệ thống lấy nước từ sông được cải tiến, đi qua ao lắng, bể lọc rồi mới đưa vào ao nuôi cá. Các phương pháp xử lý nấm cũng được thử nghiệm nhiều lần. Kết quả đàn cá koi Nhật Bản vượt qua thời kỳ bất ổn và phát triển khỏe mạnh. Đến nay, 13 ao cá có 20.000 con.
Cá koi được bán từ 10.000 đến 10 triệu đồng/con, tùy chất lượng, màu sắc. Cá nuôi lâu, kích cỡ lớn càng có giá trị. Mỗi năm trang trại xuất khoảng 30.000 cá koi các loại. "Tôi chỉ cần bán cá loại 10.000 đồng/con cũng đủ cho chi phí. Lời lãi sẽ đến từ những con cá đẹp", anh Quân nói.
Hiện anh Quân và Lực tập trung nuôi cá koi và gà chọi, chó đã bị loại. "Chúng tôi nuôi chó rottweiler vì muốn tận dụng nguồn thức ăn miễn phí từ những trại nuôi lợn gần nhà. Sau đó, dịch tả lợn bùng phát, thức ăn miễn phí không còn, chi phí cho đàn chó lớn nên tôi bỏ", anh Quân giải thích.
Cả hai luôn tuân thủ nguyên tắc nuôi con chi phí ít, cho lãi lớn. Họ tiết kiện được nhiều tiền nhờ nuôi thêm sâu canxi. Sâu ăn rác hữu cơ, phân gà và rau củ quả hư hỏng rồi lại thành thức ăn bổ dưỡng của cá koi và gà.
Việc điều hành trang trại được hai anh em phân công rõ ràng. Anh Lực chịu trách nhiệm về kỹ thuật, chăm sóc, anh Quân đi phát triển thị trường. Để quảng bá sản phẩm, anh Quân quay video nói về cách chăm sóc gà, cá, chọn cá đẹp rồi đưa lên trang Youtube và Facebook cá nhân.
"Mình phải tạo sân chơi uy tín, truyền được đam mê, cảm hứng cho cộng đồng trước rồi mới tính đến chuyện buôn bán. Có ngày, tôi nhận được hàng chục cuộc điện thoại hỏi cách chăm gà, nuôi cá. Tôi đều nhiệt tình chia sẻ. Đó cũng là cách tôi tạo ra thị trường rộng lớn của mình", anh Quân nói.
Hiện trang trại của hai anh em tạo việc làm cho 15 lao động, lương tháng 8 triệu đồng/người. Trừ tất cả chi phí, hai anh em lời khoảng 3 tỷ đồng/năm.
Bà Phạm Thị Thanh Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Trào, cho biết mô hình trang trại của anh em Quân và Lực đã được giải thưởng Lương Định Của năm 2019. "Cả hai anh tận dụng được diện tích đất nông nghiệp trồng lúa kém hiệu quả, áp dụng công nghệ 4.0 để quảng bá sản phẩm, mang lại thu nhập cao và tạo nhiều công việc cho người dân trong xã", bà Toàn nói.
Lê Tân