Hai đứa trẻ đều được gia đình Dennis và Angela Laffin (ở Upstate New York) nhận nuôi. Nhưng cả bố mẹ lẫn hai đứa trẻ đều không biết gốc gác của cả hai, cho đến lúc thử ADN, tháng 7 năm nay. B
Khi gửi xét nghiệm ADN, Vicky Laffin, 19 tuổi, tin chẳng có bất ngờ. "Tôi biết mình là người Mỹ gốc Phi, nhưng không biết bất kỳ thông tin cụ thể nào'', cô nói.
Frank, anh của cô cũng được bố mẹ nhận nuôi khi còn nhỏ, khoảng hai năm trước khi Vicky sinh ra. Họ quyết định cùng gửi xét nghiệm ADN để khám phá nguồn gốc, vì cả hai đều là trẻ bị bỏ rơi khi mới sinh.
Cha mẹ nuôi ủng hộ mong muốn của hai con, tặng mỗi người một bộ xét nghiệm. Frank thực hiện xét nghiệm trước và nhận được kết quả vài ngày trước Vicky, vào cuối tháng 7.
Kết quả của Vicky tiết lộ điều gây sốc, hồ sơ tổ tiên của cô khớp với Frank. Theo đó, họ có chung 49-50% ADN. Như vậy, hai đứa trẻ tưởng là anh chị em nuôi lại là ruột thịt. ''Đó là cú sốc lớn. Tôi không thể nghĩ người anh nuôi sống chung cả đời lại là anh ruột'', Vicky nói.
Còn Frank nghĩ em đang trêu đùa khi cô hét lên trên điện thoại báo tin cho mình. Cha mẹ nuôi của Frank và Vicky cũng rất ngạc nhiên.
Frank bước vào gia đình Laffins năm 2002, ngay sau khi người ta tìm thấy cậu bé trong một chiếc túi đựng tã lót trước cửa một trung tâm giữ trẻ trên đảo Staten.
Angela và Dennis đã có một cậu con trai, Nick, sinh năm 1995. Nhưng vài năm liền không thể sinh đứa trẻ thứ hai, họ quyết định xin con nuôi. Ngày 10/9 năm đó, vài ngày sau sinh nhật Angela, Frank được đưa về nhà họ. Angela gọi Frank là món quà sinh nhật của mình.
Hai năm sau, có tin tức ba đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trong một ngày, ở ba điểm khác nhau tại New York. Lúc đó, gia đình Laffins đang bận rộn với hai đứa con trai, quyết định sẽ không nhận nuôi đứa trẻ nào khác. Nhưng khi Angela nghe tin một trong ba đứa trẻ được tìm thấy trong một phòng tắm trên đảo Staten, chị thay đổi suy nghĩ.
Người mẹ gọi cho cơ quan nhận con nuôi hỏi thêm thông tin. Biết đứa trẻ bị bỏ rơi trên đảo là con gái, Angela nhận về. "Chồng tôi đến một cửa hàng, mua toàn bộ đồ trẻ nhỏ màu hồng'', chị kể.
Cả Frank và Vicky đều cho biết tuổi thơ của họ nhận đầy đủ yêu thương, hỗ trợ và vui vẻ. Angela và chồng quyết định chưa nói sự thật với các con cho đến khi Frank và Vicky trưởng thành hơn.
Hai đứa con nuôi thấy mình khác ngoại hình với anh trai và bố mẹ, nhưng chưa bao giờ cảm thấy tình yêu khác biệt. Họ không thắc mắc về nguồn gốc của mình.
Tuy nhiên vài tháng trước, Frank đang lật giở một trong những tập tài liệu của cha thì phát hiện một mẩu báo thời điểm anh sinh ra. Kết nối các dữ kiện, Frank biết mình là con nuôi. Anh kể với mẹ điều khám phá ra. Người mẹ khóc, hoảng hốt lo sợ con bị sốc. Nhưng Frank nói vui khi biết quá khứ và biết ơn vì được lớn lên trong sự chăm sóc của cha mẹ nuôi.
Khi Frank biết nguồn gốc, Vicky cũng đòi bố mẹ kể cho nghe gốc gác. "Tôi đã rất sốc khi câu chuyện của hai anh em quá giống nhau'', Vicky nói.
Cuối tháng 6, cả Frank và Vicky đều mong được cảm ơn những người đã tìm thấy họ khi còn là những đứa trẻ sơ sinh. Frank đến thăm Lillie và Sheila Bellamy, một mẹ và con gái, những người tìm thấy anh trước cửa trung tâm giữ trẻ, nơi bị bỏ rơi.
Trong khi đó, Vicky đến thăm trung tâm Y tế đại học Richmond trên đảo Staten, nơi Claudia Beadle, một kỹ thuật viên tim mạch, tìm thấy cô trong phòng tắm cách đây 19 năm.
Vicky và Frank cho biết mối quan hệ của họ vẫn như xưa. "Dù thế nào đi nữa Nick và Frank vẫn là anh của tôi và bố mẹ vẫn là bố mẹ tôi", Vicky nói.
Gia đình Laffin đang trong quá trình lập quỹ học bổng để giúp trang trải học phí đại học cho trẻ bị bỏ rơi. Họ cũng hướng tới nâng cao nhận thức hơn về Hộp đựng trẻ sơ sinh an toàn - là địa điểm đưa đón để giữ an toàn cho trẻ bị bỏ rơi.
"Chúng tôi may mắn, nhưng không phải mọi đứa trẻ ngoài kia, dù được nhận nuôi hay không, đều may mắn", Frank, hiện là quản lý một cửa hàng nói.
Đến lúc lập gia đình, anh muốn nhận con nuôi, giống như bố mẹ đã làm.
Nhật Minh (Theo Washington Post)