Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Anh và Quỹ Konras Adenauer Stiftung (KAS) Đức tại Hà Nội tổ chức Đối thoại Biển lần thứ 7 theo hình thức trực tuyến hôm 19/8 với chủ đề "Đánh giá các vấn đề biển đang nổi lên từ góc độ luật pháp quốc tế", theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Đối thoại là dịp để các bên phân tích cách diễn giải và thực thi luật pháp quốc tế về tự do và an toàn hàng hải, đánh giá hệ lụy và thách thức của tình trạng nước biển dâng từ góc độ luật pháp quốc tế, chia sẻ thực tiễn của các quốc gia ven biển và đề xuất giải pháp cho Việt Nam.
Phó đại sứ Anh tại Việt Nam Marcus Winsley nhấn mạnh Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 là nền tảng cho quản trị đại dương. Anh coi tự do hàng hải là quan trọng nhất với lợi ích quốc gia bởi thương mại của Anh với châu Á phụ thuộc vào các tuyến đường biển trọng yếu trong khu vực.
Đại diện Quỹ KAS tại Việt Nam Florian Constantin Feyerabend khẳng định Đức luôn coi trọng thương mại và xuất khẩu, vì vậy coi an toàn và tự do các tuyến thương mại trên biển là lợi ích quan trọng, ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ và cam kết bảo vệ luật pháp quốc tế.
Ông Feyerabend cũng nhấn mạnh Đức lo ngại về tình trạng các tuyến đường biển tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang gặp nhiều thách thức và căng thẳng do tranh chấp biển tại khu vực ngày một gia tăng.
Các chuyên gia cho rằng nước biển dâng đặt ra thách thức từ góc độ luật biển quốc tế, làm thay đổi các điểm, đường cơ sở hoặc có thể làm các đảo biến mất, từ đó có thể ảnh hưởng tới biên giới trên biển và khai thác tài nguyên của những quốc gia tại các vùng biển.
Theo các học giả, tự do, an toàn và an ninh hàng hải đã được quy định trong những công ước quốc tế quan trọng như UNCLOS 1982 và quy định, hướng dẫn trong khuôn khổ của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO). Tuy nhiên, xuất phát từ các mục tiêu và lợi ích khác nhau, các quốc gia có nhiều khác biệt trong giải thích và áp dụng các điều khoản về quyền đi lại trên biển.
Các học giả cũng bày tỏ quan tâm tới Biển Đông, nơi giao thoa của các tuyến đường biển quan trọng và nêu quan ngại về những yêu sách vùng biển thái quá, trái với UNCLOS 1982 và Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông, đe doạ hạn chế tự do hàng hải ở vùng biển này.
Các học giả cũng đề xuất cần tiếp tục duy trì một trật tự dựa trên luật lệ trên biển tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và ASEAN nên thiết lập quan điểm chung về các quyền đi lại trên biển.
Vũ Anh