Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) đã giải trình tự gene và phát hiện 426 ca Covid-19 ở nước này nhiễm biến chủng được định danh là BA.2, một biến chủng phụ của Omicron, trong 10 ngày đầu năm nay.
UKHSA ngày 21/1 xếp BA.2 vào nhóm "biến chủng đang được điều tra" do số ca nhiễm tiếp tục tăng, dù Omicron vẫn là chủng trội ở nước này. UKHSA lưu ý vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ xoay quanh mức thay đổi cấu tạo di truyền ở BA.2 so với biến chủng Omicron, được định danh là BA.1.
Ngoài ra, cơ quan y tế Anh nhận định BA.2 nhiều khả năng đã xuất hiện ở khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó nơi ghi nhận nhiều ca nhất là ở Đan Mạch, tiếp theo là Ấn Độ, Anh, Thụy Điển và Singapore. Dữ liệu quốc tế khiến các nhà khoa học lo ngại biến chủng phụ trên dễ lây truyền hơn.
Theo các nhà khoa học, biến thể mới nhất của nCoV không sở hữu những đột biến đặc biệt ở Omicron, vốn được các cơ quan y tế trên thế giới sử dụng để phát hiện và phân biệt nó với biến chủng Delta.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa xếp BA.2 vào nhóm biến chủng gây lo ngại. Tuy nhiên, nhà dịch tễ học người Pháp Antoine Flahault cho rằng các nước cần hết sức cẩn trọng và giới khoa học nên tăng nguồn lực theo dõi "hậu duệ" mới nhất của Omicron.
Flahault đặt giả thuyết Pháp dường như đã tránh được một đợt sóng Covid-19 giữa tháng này một phần nhờ vào biến chủng phụ BA.2. "Nó có vẻ dễ lây nhiễm hơn, nhưng độc tính không cao hơn BA.1", ông đánh giá.
Pháp đến nay mới phát hiện một vài ca nhiễm BA.2. Cơ quan y tế quốc gia đang theo dõi sát sao khả năng lây truyền virus giữa Anh và nước này. Flahault nhận định thế giới không cần hoảng loạn trước biến chủng phụ Omicron, nhưng vẫn nên cảnh giác cho đến khi đặc điểm của nó được làm rõ, đặc biệt về hiệu quả vaccine.
Trung Nhân (Theo AFP)