Thanh và Xuân đến với nhau bằng cuộc hôn nhân được đánh giá xứng đôi vừa lứa khi một người là công an tại thành phố Hải Dương, người kia xinh đẹp, giỏi ngoại ngữ. Nhưng chỉ vài tháng sau đám cưới, mâu thuẫn lớn nhỏ dồn dập khiến Xuân “không thể chịu được” đã về nhà bố mẹ đẻ sinh sống dù đang mang bầu. Anh Thanh qua lại hàn gắn nhưng mối quan hệ không được cải thiện.
Kh con mới 3 tháng tuổi, an chị được toà án chấp nhận cho thuận tình ly hôn. Xuân được toà giao quyền nuôi con, Thanh có nghĩa vụ mỗi tháng cấp dưỡng cho con 1,5 triệu đồng.
Vài tháng sau khi ly hôn, Xuân sang Hàn Quốc làm việc và kết hôn với người đàn ông địa phương. Cô nhập quốc tịch Hàn Quốc và sắp có thêm đứa con nữa. Con gái gửi bố mẹ ở Việt Nam nuôi dưỡng.
Thanh đến xin đưa con về chăm sóc song bị gia đình vợ cũ khước từ. Từ đầu năm 2016, Thanh ngừng gửi tiền nuôi con với lý do muốn thay đổi quyền chăm sóc cháu bé. Anh khởi kiện yêu cầu toà án phân xử việc tranh chấp quyền nuôi con.
Trong lúc TAND tỉnh Hải Dương thụ lý vụ án, Xuân xin hoãn phiên toà vì chưa thể về Việt Nam "đối chất". Dù vậy, tòa vẫn ra phán quyết, tuyên Thanh được quyền chăm sóc con. Xuân phản đối quyết định này, không đồng ý giao con với lý do suốt thời gian mình bầu bí, sinh nở người chồng đã không “ngó ngàng” thăm nom con.
Hơn nữa cô dù ở Hàn Quốc nhưng vẫn gửi tiền đều đặn nuôi con, vẫn dành tình thương yêu cho đứa trẻ. Con Xuân ở với ông bà ngoại từ nhỏ, được chăm sóc tốt vì thế không nên làm xáo trộn môi trường sống. Xuân cho rằng con dưới 3 tuổi, còn quá nhỏ nên hiển nhiên cô phải có quyền nuôi. Xuân kháng cáo lên TAND cấp cao tại Hà Nội.
Tại phiên phúc thẩm mở cuối tháng 7, anh Thanh đến tòa từ sớm với bộ hồ sơ dầy, vẻ mặt căng thẳng. Xuân đi cùng bố, ngồi góc riêng. Đôi vợ chồng son một thời giờ nhìn nhau như người xa lạ.
Xuân trình bày, từ khi ly hôn Thanh rất ít đến thăm con nên cháu bé không gần gũi bố. “Mỗi lần thấy bố lại sợ hãi khóc thét”, cô nói.
Bố Xuân bảo cháu ngoại ở với ông bà từ lúc sinh ra, bệnh u máu của bé ngày càng nặng nếu không phẫu thuật sớm sẽ có những biến chứng khó lường.
Thanh lại nói khác, cho hay trước khi ly hôn từng nhiều lần cùng vợ đưa con về Hà Nội thăm khám và được bác sĩ cho hay đây là chứng bệnh lành tính. Đợi khi đủ 5 tuổi, bé đến bệnh viện phẫu thuật thì vẫn phát triển bình thường.
Thanh cho rằng Xuân đã có gia đình mới lại sống xa con nên anh muốn nhận nuôi để bù đắp tình cảm cho con. “Cô ấy đã không nuôi con thì hãy nhường tôi. Tiền cô ấy cần tôi trả, việc cấp dưỡng tôi không đòi hỏi”, anh Thanh bày tỏ nguyện vọng trước toà.
Chị Xuân sau đó thay đổi quan điểm, nói vẫn có nguyện vọng nuôi con nhưng nếu chồng cũ quyết đâm đơn kiện thì sẽ nhường việc nuôi con. Cô chỉ cần chồng cũ trả đủ số tiền cấp dưỡng còn thiếu trong thời gian trước.
Thanh luôn miệng nói "đồng ý trả tiền", chỉ mong Xuân cùng gia đình cô không việc anh cản trở đón con gái về nuôi. HĐXX sau đó quyết định đình chỉ việc xét xử, thông báo bản án sơ thẩm có hiệu lực.
Thanh nghe xong vẫn bần thần ôm đống giấy tờ, nấn ná hỏi đi hỏi lại “nếu không được giao con như thoả thuận tôi biết nhờ ai can thiệp?”. Dù trả lời thể yêu cầu cơ quan thi hành án giải quyết song vị thẩm phán cũng căn dặn ông bố trẻ: “Đó là đứa trẻ, nên giao nhận trong tình yêu thương đừng coi là tài sản để giành giật, cưỡng chế”.
Xuân cũng nán lại, xin toà cho cô được gần con thêm mấy tháng nữa đến khi quay về Hàn Quốc. Cô mong được tham gia cấp dưỡng nuôi con cho đến lúc bé trưởng thành.
Luật sư Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Công ty Luật Themis cho biết, theo điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình, nếu cha mẹ không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên, phải xem xét nguyện vọng của đứa trẻ. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Chị Xuân do ra nước ngoài sinh sống nên việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con không còn đảm bảo. Việc gửi tiền về để người nhà chăm sóc bé là chưa đủ. Bởi lẽ, để đảm bảo sự phát triển về mọi mặt của trẻ ngoài tiền bạc và vật chất, đứa trẻ cần có sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục... - những việc mà bắt buộc người nuôi dưỡng phải thường xuyên ở cạnh đứa trẻ mới có thể thực hiện được. |