Tờ Times của Anh hôm 19/2 cho biết các bộ trưởng nước này đang thảo luận biện pháp cung cấp đảm bảo an ninh cho Ukraine mà không cần triển khai lượng lớn bộ binh tới quốc gia Đông Âu.
"Nhiệm vụ tuần tra không phận có thể là phương án hợp lý, dù sẽ đòi hỏi lượng lớn tiêm kích và các hệ thống phòng không để bảo vệ chúng", một quan chức cấp cao giấu tên trong chính phủ Anh cho hay.
Về lý thuyết, hàng chục tiêm kích Typhoon có thể được đặt trong tình trạng báo động cao để đối phó với những cuộc tấn công của Nga, trong khi lực lượng gìn giữ hòa bình quy mô nhỏ của Anh và các nước châu Âu sẽ làm nhiệm vụ trên mặt đất.
Một nguồn tin khác cho biết những hệ thống cảnh giới hiện đại có thể giúp theo dõi các đợt tấn công của Nga, thay vì phải huy động lực lượng mặt đất. Tuy nhiên, chưa rõ điều này có thể ngăn Nga mở chiến dịch mới sau khi đạt thỏa thuận ngừng bắn hay không.

Tiêm kích Typhoon Anh (gần) theo dõi chiến đấu cơ Su-30SM Nga trên Biển Baltic hồi năm 2019. Ảnh: BQP Anh
Nguồn tin trong không quân Anh cho biết nhiệm vụ tuần tra không phận tại Ukraine có thể tương tự hoạt động mà NATO đang triển khai tại các quốc gia vùng Baltic.
Nhiệm vụ tuần tra không phận NATO ở khu vực Baltic đòi hỏi các quốc gia thành viên triển khai tiêm kích đồn trú ở những nước sườn đông liên minh, sẵn sàng cất cánh giám sát phi cơ hoạt động gần vùng trời các nước này và hành động khi xảy ra đòn tấn công đường không nhằm vào NATO.
"Phương án này khả thi hơn là lập vùng cấm bay, vốn đòi hỏi chiến đấu cơ phải tuần tra không phận 24/7. Tiêm kích có thể đóng quân tại Ba Lan. Các cuộc thảo luận đang trong giai đoạn sơ bộ, song chúng tôi sẵn sàng thực hiện mọi mệnh lệnh", người này nói.
Giới chức Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh không bình luận về thông tin, nhưng khẳng định Anh sẽ "giữ vai trò dẫn dắt trong hỗ trợ hòa bình lâu dài tại Ukraine và ngăn Nga hành động quyết liệt trong tương lai".
Nhiều quan chức và chuyên gia lo ngại châu Âu sẽ gặp khó khăn trong nỗ lực thành lập lực lượng bộ binh đủ lớn để tuần tra biên giới dài hơn 1.100 km giữa Ukraine và Nga, kể cả trong trường hợp Moskva chấp nhận cho phương Tây triển khai quân gìn giữ hòa bình.
Một số quan chức ngoại giao Anh nhận định triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tới Ukraine mang tính thực tế hơn và Nga có thể ủng hộ điều này.
Tổng thống Volodymyr Zelensky từng nhận định châu Âu không thể đảm bảo an ninh cho Ukraine nếu không có Mỹ tham gia, do các quốc gia này có quá ít quân để duy trì áp lực thực tế với Nga. Ông cho biết cần 110.000 binh sĩ nước ngoài để đảm bảo hòa bình, quân số thực tế có thể gấp ba lần nếu tính đến phương án luân chuyển lực lượng thường kỳ.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) chỉ cân nhắc triển khai 25.000-30.000 quân nếu có thỏa thuận ngừng bắn, thấp hơn nhiều so với đề xuất của ông Zelensky. Một nguồn tin quân sự Ukraine nhận định con số này "không là gì" đối với biên giới dài hơn 1.100 km giữa nước này với Nga.
Tại cuộc hội đàm với các quan chức Mỹ ở Arab Saudi ngày 18/2, Ngoại trưởng Sergey Lavrov khẳng định Nga phản đối NATO gửi quân đến Ukraine như một phần của lệnh ngừng bắn.
"Sự xuất hiện của binh sĩ từ lực lượng vũ trang các quốc gia NATO, dù đại diện cho một nước khác, cho Liên minh châu Âu (EU) hay với tư cách của từng quốc gia, đều không thay đổi bản chất. Chúng tôi đương nhiên không chấp nhận điều này", ông nhấn mạnh.
Nguyễn Tiến (Theo Telegraph, AFP, AP)