Trả lời chất vấn từ nghị sĩ, Quốc vụ khanh Lực lượng Vũ trang Anh James Heappey hôm 25/4 xác nhận đạn uranium nghèo dành cho xe tăng Challenger 2 do Anh sản xuất đã đến Ukraine. "Số vũ khí này hiện do Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) kiểm soát", ông Heappey cho biết.
Theo quan chức này, Bộ Quốc phòng Anh không giám sát các địa điểm quân đội Ukraine khai hỏa đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo.
Khi được hỏi liệu chính phủ có trách nhiệm "giúp làm sạch đạn uranium nghèo" được sử dụng ở Ukraine sau xung đột hay không, Bộ trưởng Anh cho biết họ "không có nghĩa vụ" phải làm như vậy, thay vào đó nhấn mạnh "nhu cầu cấp thiết của Ukraine".
Đại sứ quán Nga tại Anh hôm nay ra tuyên bố nói rằng các câu trả lời của ông Heappey là "minh chứng nghiệt ngã cho sự tàn nhẫn trong chính sách của phương Tây về leo thang toàn diện cuộc xung đột ủy nhiệm mà chính họ gây ra ở Ukraine".
"Rõ ràng phương Tây có ý định biến Ukraine không chỉ trở thành trường bắn chống Nga mà còn là bãi thải phóng xạ, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của người dân địa phương và môi trường trong khu vực", tuyên bố nêu. "Chúng tôi kêu gọi giới chức Anh đừng nuôi hy vọng hão huyền rằng sẽ thoát tội, khi họ đang cố đẩy mọi trách nhiệm cho lực lượng vũ trang Ukraine".
Phát biểu tại New York, Mỹ ngày 25/4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng Anh "cần hiểu rõ trách nhiệm của mình" khi cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine.
"Chúng tôi đã nhiều lần nói về đạn uranium nghèo. Bất kể họ nói rằng nó không chứa phóng xạ và không có trong danh sách cấm của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), có những sự thật và cuộc phỏng vấn với các nạn nhân ở Nam Tư cũ về hậu quả của loại đạn này", ông Lavrov cho hay.
Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium cho nhiên liệu và vũ khí hạt nhân. Uranium nghèo có tính phóng xạ thấp nhưng độ đặc cao hơn gần 70% so với chì, nên được sử dụng làm đầu đạn để tăng khả năng xuyên phá, chống lại các loại giáp trên xe tăng.
Đạn thanh xuyên chứa uranium nghèo trở thành tâm điểm căng thẳng giữa Nga và phương Tây, sau khi Anh tháng trước thông báo sẽ chuyển loại đạn này cho Ukraine để tăng hiệu quả tiêu diệt xe thiết giáp.
London nói uranium nghèo là "một thành phần tiêu chuẩn và không liên quan đến vũ khí hạt nhân", đồng thời khẳng định quân đội Anh đã dùng nguyên liệu này để chế tạo các loại đạn xuyên giáp trong nhiều thập kỷ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó tuyên bố Nga sẽ đáp trả tương ứng với thực tế là "phương Tây đã bắt đầu sử dụng vũ khí có thành phần hạt nhân".
Mỹ từng sử dụng đạn chứa uranium nghèo trong cuộc chiến tại Iraq năm 2003-2004. Liên Hợp Quốc ước tính tổng khối lượng uranium nghèo mà Mỹ dùng trong cuộc chiến ở Iraq là ít nhất 300 tấn. NATO khi tấn công Nam Tư năm 1999 từng dùng 40.000 quả đạn loại này, chứa hơn 15 tấn uranium nghèo.
Tướng Igor Kirillov, chỉ huy lực lượng phòng chống hóa học, sinh học và phóng xạ Nga, tháng trước nói rằng số người mắc ung thư tại Iraq năm 2005 tăng 40 lần so với trước. Tại các quốc gia từng thuộc Nam Tư, tỷ lệ ung thư tăng 25% sau chiến sự. Tướng Nga cũng nói rằng việc dùng đạn chứa uranium nghèo tác động đến chính binh sĩ các nước thành viên NATO từng tham chiến tại Trung Đông và Balkan, với 4.095 người mắc ung thư, trong đó 330 người chết.
Trong khi đó, Bộ Cựu binh Mỹ cho biết uranium nghèo phát ra hạt alpha năng lượng cao nhưng khả năng xuyên kém, không thể xâm nhập qua quần áo và da người, các tác động sức khỏe chủ yếu xảy ra nếu vật liệu lọt vào cơ thể qua mảnh văng, vết thương hở, cũng như đường thở và tiêu hóa.
Tuy nhiên, uranium nghèo sau khi tự cháy có thể phản ứng với chất ăn mòn trong nước và không khí, tạo thành các hợp chất độc hại có thể xâm nhập cơ thể qua thức ăn và nước uống, dần tích tụ ở các cơ quan như gan, lá lách và thận.
Nghiên cứu trên tạp chí Harvard International Review thuộc Đại học Harvard ở Mỹ cho rằng uranium nghèo gây tác hại với cả binh sĩ tham chiến và cư dân địa phương.
Huyền Lê (Theo RT, TASS, BNN)