Ngoài ra, đặc điểm chung của nhiều camera góc rộng là ảnh sẽ nét ở phần trung tâm (ảnh trái), nhưng méo và mờ dần ở các rìa (ảnh phải). Camera góc rộng của Note10+ cũng tương tự. Người dùng không thể chọn điểm lấy nét, nhưng có thể chọn điểm đo sáng, ngoài ra cũng có thể bật tính năng tự động sửa méo ảnh nếu muốn.
Hoặc trong các tình huống chụp ảnh đời thường, khó tiếp cận sát chủ thể (ảnh trái), người dùng có thể chuyển sang camera tele của Note10+ (ảnh phải) để chụp mà không cần di chuyển nhiều.
Khung cảnh ở chế độ góc siêu rộng (ảnh trái) và tele 2x (ảnh phải) có sự khác biệt rất lớn, dù cả hai cùng được chụp từ cùng một vị trí đứng. Điều này đã cho thấy tác dụng của việc trang bị nhiều camera với các tiêu cự khác nhau trên Note10+. Có một lưu ý là trong tình huống ánh sáng yếu, Note10+ sẽ không mở camera tele, thay vào đó là dùng camera chính sau đó zoom kỹ thuật số 2x nên ảnh sẽ hơi bệt, nhưng bù lại là hạn chế hiện tượng mờ nhòe do rung tay.
Chế độ chụp đêm cũng là một cải tiến đáng chú ý trên Note10+. Có thể thấy rõ sự khác biệt về màu sắc và chi tiết của ảnh chụp bằng chế độ chụp đêm (bên trái) so với ảnh ở chế độ tự động (bên phải). Khi bật chế độ chụp đêm, máy sẽ giữ ở mức ISO thấp và ghép nhiều tấm lại với nhau để tăng độ sáng, trong khi với chế độ thường, máy sẽ đẩy ISO lên cao. Chính vì vậy để có bức ảnh chụp đêm tốt, người dùng nên giữ chắc máy trong khoảng 2-3 giây.
Nhờ trang bị cảm biến ToF, Note10+ cũng mang đến trải nghiệm chụp ảnh chân dung tốt hơn. Với điều kiện ánh sáng yếu hoặc ánh sáng trong nhà, nhiều smartphone sẽ gặp khó khăn khi đo khoảng cách vật thể để xóa phông, nhưng với Note10+ thì việc này được thực hiện nhanh và khá chính xác. Ngoài ra, nhà sản xuất cũng bổ sung thêm hiệu ứng bong bóng (ảnh trái) cho những bức ảnh chụp chân dung đẹp mắt và ấn tượng hơn.
Lưu Quý