Được phát hiện lần đầu tiên cách đây gần 200 năm bởi nhà thiên văn học người Scotland James Dunlop, NGC 1947 nằm sâu trong ranh giới của chòm sao Kiếm Ngư trên bầu trời phía nam xa xôi. Đây là một thiên hà dạng thấu kính, có nghĩa là nó nằm trung gian giữa một thiên hà elip và thiên hà xoắn ốc trong phân loại hình thái.
Tuy nhiên, NGC 1947 đã mất hầu hết vật chất tạo nên các nhánh xoắn ốc đặc trưng quay xung quanh hạt nhân của nó. Phần còn lại của hệ thống, bao gồm các dải khí bụi mỏng được làm nổi bật bởi ánh sáng nền từ hàng triệu ngôi sao, có thể nhìn thấy rõ nét trong ảnh chụp mới được NASA công bố vào hôm 7/4.
Kính viễn vọng không gian Hubble đã chụp bức ảnh tuyệt đẹp này vào tháng trước, không lâu sau khi khắc phục sự cố phần mềm khiến thiết bị phải tạm ngừng hoạt động 4 ngày. Những dải khí bụi nằm khá gần trung tâm của thiên hà và ước tính trải dài khoảng 25.000 năm ánh sáng.
Theo các nhà thiên văn học Hubble, NGC 1947 đang thiếu phần lớn vật chất hình thành sao nên khó có khả năng tạo ra các ngôi sao mới. Do đó, nó sẽ tiếp tục mờ dần theo thời gian.
Đoàn Dương (Theo NASA/Space)